Năm ngoái, gần chục nhà băng có doanh số khai thác bảo hiểm mới trên 1.000 tỷ đồng nhưng việc bán chéo sẽ chậm lại trong 2023, theo VCBS.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), 2022 là năm các nhà băng đẩy mạnh nguồn thu từ bán chéo bảo hiểm (bancassurance) trong bối cảnh “room” tín dụng hạn chế.
Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh này năm ngoái tăng 45% và tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết tăng hơn 16% so với năm trước.
Trong đó, Ngân hàng Quân đội (MB) có doanh số khai thác mới trong 2022 cao nhất với hơn 2.100 tỷ đồng. MB hiện sở hữu hai công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ, lần lượt là Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (MIC) và MB Ageas Life – liên doanh giữa nhà băng này với tập đoàn Ageas từ Bỉ và công ty bảo hiểm nhân thọ Muang Thai từ Thái Lan.
Xếp sau MB là ba nhà băng có thế mạnh về cho vay bán lẻ, gồm VIB, Sacombank và ACB. Năm ngoái, mỗi ngân hàng này bán được 1.700-1.800 tỷ đồng doanh số bảo hiểm mới. Ngoài ra, những đơn vị còn lại thu được hơn 1.000 tỷ từ doanh số mới là Vietcombank, Techcombank, VPBank, HDBank và VietinBank.
Hiện tại, kênh bancassurance được triển khai tại hầu hết ngân hàng trên thị trường, dưới hai hình thức hợp tác.
Với mô hình thứ nhất, các nhân viên của nhà băng chịu trách nhiệm từ giới thiệu cho đến tư vấn, hoàn tất thủ tục hợp đồng, như tại Sacombank, Techcombank. Mô hình thứ hai là nhân viên nhà băng chỉ là bên giới thiệu, còn khâu tư vấn được thực hiện bởi người của hãng bảo hiểm có mặt tại nhà băng.
Theo VCBS, một số ngân hàng đang chuyển dịch từ mô hình giới thiệu bảo hiểm sang bán hàng trực tiếp với tỷ lệ hoa hồng cao hơn. Đồng thời, các ngân hàng như MB, Techcombank, VIB đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm.
Ngân hàng bán chéo bảo hiểm có lợi thế so với kênh đại lý thông thường, nhờ vào tệp khách hàng sẵn có và sự am hiểu về tài chính của họ. Chính vì thế, kênh bancassurance tuy phát triển sau nhưng đóng góp tới 40% doanh thu khai thác mới của ngành bảo hiểm tại Việt Nam. Tỷ lệ này từng được kỳ vọng sẽ lên 50% chỉ trong vòng hai năm tới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của công ty chứng khoán Vietcombank, việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra ngân hàng ép khách mua bảo hiểm có thể khiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng gặp khó khăn hơn các năm trước.
Theo vnexpress.net