Nhiều người Mông, người Dao phải “thoát nghèo” vì phiên âm tên

TTO – Nhiều người Mông, người Dao… bị “thoát nghèo” bất đắc dĩ dù có sổ hộ nghèo, có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không dùng được vì tên trong sổ một đường, tên trong CMND một nẻo.

Tại phiên thảo luận dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại Quốc hội sáng nay 10-6, đại biểu Thào Hồng Sơn (Hà Giang) cho rằng phần quy định về quyền nhân thân trong dự thảo có thiếu sót khi không có quy định về đổi tên theo tập quán và phiên âm tên từ tiếng dân tộc ra tiếng phổ thông.

Ông Thào Hồng Sơn đưa ra ví dụ, với người Mông, người Dao, rất nhiều họ và tên đệm đang được ghi trong CMND và các giấy tờ khác với cách gọi của tiếng dân tộc.

Chẳng hạn, họ Giàng được phiêm âm thành Dương, Vừ thành Vàng. Tên thì Sinh đổi sang Sự, Tủa thì thành Tuấn. Đặc biệt với đàn ông người Mông sau khi cưới vợ đều được đổi tên đệm. “Chẳng hạn Ly Mí Chứ khi cưới vợ sẽ  đôi thành Ly Pà Chứ. Trong khi CMND vẫn ghi là Ly Mí Chứ.” – ông Sơn cho biết

“Nhiều người vì thế đã gặp rắc rối, đã bị “thoát nghèo” bất đắc dĩ dù có sổ hộ nghèo, có thẻ bảo hiểm y tế mà lại không dùng được. Vì tên trong sổ một đường, tên trong CMND một nẻo” – Ông Thào Hồng Sơn nói.

“Ngay cả tên tôi đây, Quốc hội gọi là Thào Hồng Sơn nếu gọi theo đúng tên cha mẹ đặt bằng tiếng Mông thì phải gọi là Thào Mí Sính mới đúng” – đại biểu Thào Hồng Sơn tự bạch

Theo ông Sơn, luật đã quy định cho phép đổi tên trong nhiều trường hợp nhưng lại không quy đinh về vấn đề liên quan đến phiên từ tiếng dân tộc sang tiếng Kinh, đổi tên theo phong tục tập quán là thiếu sót. Bởi không chỉ người Mông, người Dao mà nhiều dân tộc khác cũng có tập quán liên quan đến tên, họ, tên đệm và có sự khác nhau khi phiên âm từ tiếng dân tộc ra tiếng phổ thông

“Cái này là rất ảnh hưởng từ xóa đói giảm nghèo, đến y tế giáo dục. Vướng mắc rất lớn mà chưa biết làm sao. Tôi đề nghị ban soạn thảo phải lưu tâm cho bà con” – Đại biểu Thào Hồng Sơn nói.

“Thưa kiện sai thì làm sao mà xử!”

Đây là băn khoăn của đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) khi thảo luận về nguyên tắc tòa án không được từ chối vụ việc của người dân.

Đây là nguyên tắc mà các cơ quan thẩm tra dự án luật này đều đánh giá là rất tiến bộ, là một điểm quan trọng trong dự thảo luật lần này. Đồng ý quan điểm này, nhưng đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, với tư cách là Phó chánh án TAND TP.HCM, nói ông rất băn khoăn về tính khả thi.

“Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, công dân phải hành xử theo luật thì khi xảy ra chuyện luật pháp mới bảo vệ được. Còn nếu công dân đã không làm theo luật lại kiện cáo, nhưng tòa buộc phải thụ lý mà không giải quyết được thì làm sao đây?” – Ông Huỳnh Ngọc Ánh nói.

Ông Ánh cho rằng giải quyết dân sự không phải như chính sách dành cho hộ nghèo để có thể du di, ưu đãi mà luật pháp là phải đúng và công bằng.

“Tôi đề nghị ban soạn thảo phải lý giải câu chuyện này. Đừng để thụ lý rồi mà không biết vận dụng cái gì để phân xử thì rất khó” – đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đề nghị.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tuoitre.vn)

 
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.