Bảo hiểm phi nhân thọ vẫn trong cảnh ăn đong
Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định: “Chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải là thành viên (associate) của Hội Các nhà tính toán bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội Các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế; hoặc có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và có bằng chứng chứng minh đã thi đạt tối thiểu 2 môn thi của một trong các hội sau: Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Vương quốc Anh, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Hoa Kỳ, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Úc, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Canada hoặc các bằng chứng chứng minh đã thi đạt các môn thi theo khóa học, chương trình đào tạo chuyên ngành tính toán được các hội trên công nhận tương đương với 2 môn thi của hội; không vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được sử dụng chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán….” .
Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đang ở trong tình cảnh “ăn đong” chuyên gia định phí. Và tình trạng này cũng chưa thể khắc phục trong tương lại gần.
Quy định này nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia trong ngành bảo hiểm, bởi định phí được coi là “linh hồn” của mỗi doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong hoạt động bảo hiểm, có nhiều nghiệp vụ khá đơn giản như tính toán dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng bồi thường cho các yêu cầu bồi thường chưa được giải quyết… Tuy nhiên, việc tính toán dự phòng bồi thường cho tổn thất đã phát sinh nhưng chưa thông báo thì phức tạp hơn, bởi phải làm việc với những điều không rõ ràng và không chắc chắn xảy ra.
Thực tế cho thấy, nhiều công ty đã trích lập dự phòng bồi thường thiếu chính xác, dẫn đến nguy hiểm cho sự an toàn tài chính của công ty. Vai trò chuyên gia định phí trong những trường hợp như thế này là rất quan trọng.
Được biết, trong số chuyên gia định phí tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam hiện nay, rất ít người đáp ứng yêu cầu trên. Có thể nói, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đang ở trong tình cảnh “ăn đong” chuyên gia định phí. Và tình trạng này cũng chưa thể khắc phục trong tương lại gần.
Trao đổi với Đặc san Bảo hiểm, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, dù quy định cho phép các công ty bảo hiểm phi nhân thọ được thuê chuyên gia định phí bên ngoài, nhưng chi phí cho các chuyên gia này có lẽ không nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhỏ kham nổi.
“Riêng lương actuary để tính phí bảo hiểm cho các sản phẩm mới đã là 50.000 USD/năm, chưa kể phần cho actuary tính dự phòng”, đại diện doanh nghiệp trên cho biết.
Tìm chuyên gia định phí đúng chuẩn theo quy định vẫn đang là bài toán khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu mới, các doanh nghiệp trong khối này cũng đang tìm mọi phương án, chẳng hạn thuê chuyên gia định phí nước ngoài (với những doanh nghiệp đủ khả năng); tự đào tạo, cử cán bộ đi học rồi thi các chứng chỉ (phương án này tính khả thi không cao vì thi actuary rất khó) và cuối cùng là tuyển chuyên gia định phí từ thị trường.
Bảo hiểm nhân thọ… sẵn sàng
Cũng như các doanh nhiệp bảo hiểm khối phi nhân thọ, chuyên gia tính toán (appointed actuary) của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe cũng có nhiều yêu cầu.
Cụ thể, phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, được đào tạo, có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 10 năm về tính toán trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và là thành viên (fellow) của một trong những hội các nhà tính toán bảo hiểm được quốc tế thừa nhận rộng rãi; là người lao động tại doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe; cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm….
Đây cũng là những tiêu chuẩn khá chặt chẽ, nhưng những quy định này không gây nhiều khó khăn cho khối nhân thọ. Bởi do đặc thù riêng, những doanh nghiệp bảo hiểm ở khối này từ lâu đã tuyển dụng những chuyên gia định phí theo tiêu chuẩn quốc tế. Chuyên gia định phí tại các công ty bảo hiểm nhân thọ hiện nay hầu hết đều do người nước ngoài hoặc Việt kiều đảm trách.
Phần lớn các actuary được tuyển dụng hiện nay là các du học sinh, vì ở Việt Nam chưa có nhiều nơi đào tạo ngành nghề này.
Trao đổi với Đặc san Bảo hiểm về tiêu chuẩn hành nghề actuary, một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nói rằng, những tiêu chuẩn của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ theo Điều 31, Nghị định 73/2016/NĐ-CP ban hành năm 2016 về cơ bản không khác các quy định tại Điều 31, Thông tư 124/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành năm 2012 (chỉ có thêm về actuary của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe). Do vậy, những quy định này không phải quá mới, cũng như không quá khắt khe.
Cũng theo vị chuyên gia trên thì những quy định chặt chẽ như vậy là cần thiết đối với vị trí rất quan trọng này.
Chuyên gia tính toán của các doanh nghiệp bảo hiểm ngoài việc tính toán dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng bồi thường cho các yêu cầu bồi thường chưa được giải quyết hay tính toán dự phòng bồi thường cho tổn thất đã phát sinh nhưng chưa thông báo…, còn phải tính toán để cho ra thị trường những sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu khách hàng những vẫn đảm an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Thực tế, vì đặc thù riêng, các công ty bảo hiểm nhân thọ ra sản phẩm mới liên tục (thường là 4 – 6 tháng có một sản phẩm mới) nên với khối nhân thọ vai trò của các chuyên gia tính toán vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, với khối này, không kể doanh nghiệp bảo hiểm lớn hay nhỏ đều rất chú trọng tới việc tuyển dụng và đào tạo chuyên gia tính toán.
Vì đặc thù khối bảo hiểm nhân thọ gần như tất cả là doanh nghiệp ngoại nên đã “có sẵn” các chuyên gia tính toán từ trước, nên đáp ứng chuẩn mới là không khó. Điểm tích cực là không ít doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn khá chú trọng đào tạo chuyên gia tính toán là nhân sự Việt Nam, nên về nguồn cung cho vị trí này không ngại thiếu hụt.
Tăng cường đào tạo từ trường học
Đối với khối bảo hiểm nhân thọ, ngoài việc tự đào tạo các chuyên gia tính toán để bù đắp nguồn nhân lực cấp cao luôn thiếu hụt vì sự dịch chuyển liên tục của nhân sự, các doanh nghiệp khối này cũng luôn tập trung và ưu tiên cho việc đào tạo, huấn luyện, tạo cho nhân viên nhiều cơ hội phát triển năng lực, chuyên môn để đảm nhiệm nhiều trọng trách hơn.
Việc đào tạo và phát triển nhân sự từ nội tại không chỉ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung kịp thời nhân sự khi thị trường có biến động nhân sự cấp cao, mà còn khiến nhân viên thêm gắn bó với công ty.
CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết: “Vẫn biết việc nhân viên chuyển việc là khó tránh khỏi, nhưng công ty vẫn phải không ngừng đào tạo. Và tất nhiên, trong chiến lược phát triển thì vấn đề làm sao để nhân viên gắn bó với công ty sẽ luôn là ưu tiên số 1”.
Còn theo đại diện công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam: “Để thu hút nhân tài gia nhập đội ngũ actuary, Công ty luôn tạo điều kiện tốt nhất để các bạn phát triển sự nghiệp trong cả công việc lẫn học tập và thi cử, thường xuyên luân chuyển các vị trí để tạo điều kiện phát triển một cách toàn diện không chỉ trong lĩnh vực định phí, mà còn trong các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, Công ty cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn sang nước ngoài làm việc để tích lũy thêm kinh nghiệm ở những nước tiên tiến hơn”.
“Phần lớn các actuary được tuyển dụng hiện nay là các du học sinh, vì ở Việt Nam chưa có nhiều nơi đào tạo ngành nghề này. Do đó, về lâu dài, tôi nghĩ các trường học nên đưa nội dung này vào chương trình đào tạo vì nhu cầu của thị trường sẽ tăng rất cao”, đại diện Manulife nói và cho rằng, việc thành lập hiệp hội chuyên về định phí bảo hiểm tại Việt Nam là rất cần thiết để những người trong nghề có thể trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như có thể tham gia những kỳ thi riêng dành cho thị trường Việt Nam”.
theo tinnhanhchungkhoan.vn