Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) là một trong những doanh nghiệp phi nhân thọ “thắng lớn” trong hoạt động đầu tư tài chính năm 2021 với tổng doanh thu từ hoạt động này đạt 326,4 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bảo Minh, một trong những khoản đầu tư đóng góp lớn vào doanh thu tài chính năm 2021 là mức chi trả cổ tức cao vượt kế hoạch của Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp – UIC (chia cổ tức theo tỷ lệ 50% thay vì 15% như kế hoạch ban đầu). Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán khởi sắc trong năm qua cũng giúp danh mục chứng khoán đầu tư tăng tích cực.
Năm 2022, Bảo Minh sẽ cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư vào tiền gửi do mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp, đồng thời tăng tỷ trọng đầu tư vào các kênh đầu tư khác trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về an toàn, hiệu quả tài chính và thanh khoản…
Tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 từ mức 1.430 tỷ đồng lên hơn 1.930 tỷ đồng cũng như kế hoạch sử dụng số vốn tăng thêm 500 tỷ đồng đã được các cổ đông MIC thông qua. Cụ thể, MIC sẽ dành tới 400 tỷ đồng phục vụ hoạt động đầu tư tài chính bao gồm đầu tư chứng khoán, tiền gửi… phù hợp với quy định pháp luật và Công ty, số tiền còn lại 100 tỷ đồng dùng để đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư tài sản khác…
Tương tự, Hội đồng quản trị Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng đã trình kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 964 tỷ đồng (mức vốn điều lệ hiện tại là hơn 800 tỷ đồng) thông qua việc phát hành hơn 96 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, bên cạnh đó là chào bán hơn 80 triệu cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và phát hành cổ phiếu ESOP cho các cán bộ, nhân viên trong Công ty.
Số tiền thu được từ các đợt chào báo cổ phiếu trên ngoài bổ sung đầu tư cho việc mua trụ sở của Tổng công ty và các đơn vị thành viên (35% số tiền thu được từ đợt chào bán), bổ sung cho đầu tư hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin (10%), còn lại dùng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư tài chính dài hạn và các giấy tờ có giá trị trên thị trường (45%) và gửi tiền tại ngân hàng (10%).
Tuy nhiên, các tờ trình chào bán và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn không được thông qua tại kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên 2022 diễn ra cuối tuần qua.
Được biết, trong năm 2021, lãi gộp từ hoạt động đầu tư tài chính và các hoạt động khác của PTI đạt 162 tỷ đồng, hoàn thành 136% kế hoạch. Năm qua, hoạt động đầu tư của hãng bảo hiểm này được tái cấu trúc theo hướng tất toán tối đa các khoản đầu tư chưa hiệu quả còn tồn đọng, mảng đầu tư chứng khoán mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, dòng tiền tăng mới từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong năm được tập trung vào đầu tư tiền gửi.
Chia sẻ tại Đại hội cổ đông tổ chức mới đây, ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, trong danh mục đầu tư năm 2022, BIC sẽ tiếp tục đầu tư tiền gửi vào các ngân hàng tốt nhất, khai thác có hiệu quả kênh đầu tư cổ phiếu và thận trọng với kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
“Năm 2021, việc lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm thấp đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động tiền gửi, song lợi nhuận từ đầu tư tài chính của BIC vẫn tích cực (tăng trưởng 15%) nhờ đầu tư cổ phiếu hiệu quả. Trong năm qua, BIC không tham gia mua trái phiếu của các doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không rõ ràng”, ông Hoàng thông tin.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn