Nhà bảo hiểm lo “bảo hiểm” chính mình

Việc cơ cấu lại danh mục sản phẩm để hạn chế rủi ro, đảm bảo hiệu quả kinh doanh đang được nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ đẩy mạnh, trong đó bảo hiểm xe cơ giới, sức khỏe con người và tài sản kỹ thuật đều được đưa vào “tầm ngắm”.

Bảo hiểm sức khỏe dù là sản phẩm mang lại doanh thu phí lớn nhất nhì trong các nghiệp vụ bảo hiểm, nhưng vì có tỷ lệ bồi thường cao và tình trạng trục lợi phức tạp nên luôn khiến nhà bảo hiểm “đau đầu”.

Mới đây, tại công văn số 449/BHXH-TTKT, Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội đã yêu cầu thủ trưởng, giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, nghiêm cấm các hành vi gian lận bảo hiểm y tế quy định tại Khoản 1, Điều 215 – Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan bảo hiểm này, hiện nay, tình trạng lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng và loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác… nhằm mục đích trục lợi diễn ra phức tạp.

“Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang phải đối mặt với thực trạng này, đó là lý do cần phải xem xét và cơ cấu lại việc bán các dòng sản phẩm dễ bị trục lợi, đặc biệt là bảo hiểm sức khỏe”, đại diện một nhà bảo hiểm đang giải quyết nhiều đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm sức khỏe nhấn mạnh.

Thực tế, trong 2 năm qua, các vụ tổn thất, khiếu nại liên quan tới các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe có xu hướng giảm do các lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch, điều này phần nào được thể hiện qua tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc năm 2021 đạt 33,4%, thấp hơn con số 37,2% của năm 2020 (theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam).

Tuy nhiên, không vì thế mà nhà bảo hiểm chủ quan, nhất là khi các hoạt động giao thương đã trở lại bình thường. Theo đó, trong năm 2022, tỷ lệ bồi thường các nghiệp vụ này được dự báo sẽ trở lại bình thường như trước dịch, thậm chí có thể tăng cao hơn tại một số nhà bảo hiểm do chi phí chi trả cho các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đã bán trước đó.

Tại Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), hãng bảo hiểm này đã lên kế hoạch kiểm soát tỷ lệ kết hợp (tỷ lệ bồi thường + tỷ lệ chi phí) năm 2022 ở mức không quá 97,5% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại được hưởng. Năm 2021, tỷ lệ này đạt 98,29% (bao gồm trích lập đầy đủ dự phòng dao động lớn và không sử dụng quỹ dự phòng dao động lớn).

Cùng với kiểm soát tỷ lệ kết hợp, các nghiệp vụ phụ thuộc nhiều vào nhà tái bảo hiểm như tài sản kỹ thuật cũng được Bảo Minh phát triển một cách thận trọng, tránh rủi ro tích tụ và sự phụ thuộc vào nhà tái. Ngoài ra, hãng bảo hiểm này còn đặt mục tiêu tiết giảm tỷ lệ bồi thường ở tất cả các nghiệp vụ so với năm 2021, đặc biệt tại nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và tài sản kỹ thuật.

Tương tự, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) – hãng bảo hiểm đang dẫn đầu thị phần về bảo hiểm xe cơ giới, cũng muốn kiểm soát chặt tỷ lệ bồi thường nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh, đặc biệt tại nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và chăm sóc sức khỏe.

Với Bảo hiểm BIDV (BIC), chia sẻ tại Đại hội cổ đông tổ chức mới đây, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC cho hay, đa phần các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe trên thị trường phi nhân thọ hiện có chi phí kết hợp tiệm cận với điểm hòa vốn. Do đó, BIC luôn thận trọng trong việc phát triển nghiệp vụ này.

Cũng theo ông An, năm 2021, chi phí kết hợp của BIC giảm mạnh nhờ tỷ lệ bồi thường giảm, kể cả ở nghiệp vụ bảo hiểm con người và xe cơ giới. Bên cạnh đó, mảng bảo hiểm tài sản cũng chịu ít thiệt hại hơn nhờ các chính sách siết chặt khai thác đối với các nhóm tài sản có rủi ro cao.

“Với bảo hiểm sức khỏe, trước nhu cầu bảo vệ sức khỏe ngày càng tăng của người dân, BIC tiếp tục triển khai các phương án để phát triển nghiệp vụ này nhưng trên cơ sở tuân thủ một số nguyên tắc riêng để hạn chế rủi ro cũng như gia tăng tính hiệu quả như khai thác tệp khách hàng lớn để đảm bảo quy tắc lấy số đông bù số ít; với kênh bán lẻ sẽ chú trọng việc bán hàng online để giảm chi phí, kết hợp khai báo sơ lược sức khỏe khách hàng khi tham gia bảo hiểm để hạn chế trục lợi…”, ông An thông tin thêm.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.