Nhà bảo hiểm “đau đầu” tính phí bảo hiểm sức khỏe

Việc giá các dịch vụ y tế tăng từ 1/3/2016 và sẽ còn tăng trong thời gian tới khiến các công ty bảo hiểm trong cả 2 khối phi nhân thọ và nhân thọ phải tính toán lại việc thiết kế các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sức khỏe.

Dù là sản phẩm bảo hiểm mang lại doanh thu cao, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm e ngại tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm sức khỏe sẽ tăng cao do bắt đầu có sự điều chỉnh giá viện phí và giá một số loại thuốc…, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, bởi bảo hiểm sức khỏe, trong đó có bảo hiểm tai nạn, luôn là nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường khá cao.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2016, doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe đạt 2.218 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm tai nạn là 996 tỷ đồng, bảo hiểm y tế 322 tỷ đồng, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe 570 tỷ đồng; số tiền bồi thường là 660 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 316 tỷ đồng. Dù tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ này trong 3 tháng đầu năm 2016 đạt 44%, giảm khá mạnh so với mức 52% của cùng kỳ năm trước, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, tỷ lệ này khó giữ ổn định, nhiều khả năng sẽ còn tăng cao vào các quý tới do tác động của các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ y tế.

Đối với khối phi nhân thọ, trong việc quản lý tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, ngoài nỗi lo giá các dịch vụ y tế tăng có thể làm tăng tỷ lệ bồi thường, thì việc kiểm soát các hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, tai nạn ngay từ đầu vào nhằm tránh tình trạng trục lợi mới là điều đáng lo nhất. Bởi câu chuyện “có bệnh” mới mua bảo hiểm sức khỏe để “được” nằm viện là khá phổ biến trên thị trường.

Đối với khối nhân thọ, các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế bao gồm gói sức khỏe nằm viện hay điều trị bệnh, đặc biệt là những bệnh nan y, cũng luôn là những sản phẩm bảo hiểm bán tốt nhất, nhất là trong bối cảnh bệnh tật nguy hiểm đang ngày một gia tăng, giá dịch vụ y tế tăng cao… Tuy nhiên, cũng như khối phi nhân thọ, cùng với tốc độ tăng trưởng doanh thu, tình trạng trục lợi của nghiệp vụ này luôn là vấn nạn làm các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đau đầu, bởi nhiều người vẫn nghĩ rằng, mua bảo hiểm để dùng chứ không phải mua bảo hiểm để an tâm. Bởi vậy, việc không ít công ty bảo hiểm nhân thọ buộc phải dừng không bán các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sức khỏe là điều dễ hiểu, dù những sản phẩm này đang được khách hàng rất quan tâm.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, các tranh chấp liên quan đến những hợp đồng bảo hiểm bao gồm gói sức khỏe viện phí đang tăng khiến họ phải cân nhắc, tính toán rất kỹ về những quyền lợi trong các sản phẩm bảo hiểm.

“Dù rất muốn đưa ra những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, nhưng tình trạng trục lợi cùng với việc rất khó để có thể kiểm tra các thông tin bệnh án của khách hàng tại các bệnh viện hay cơ sở y tế, khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phải cẩn trọng”, vị đại diện trên nói và cho biết, sắp tới, công ty ông cũng sẽ dừng bán và có phiên bản mới cho một sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đang bán trên thị trường. Tất nhiên, cách tính phí và các điều khoản sẽ chặt chẽ hơn theo xu hướng thị trường.

Thực tế, đối với bảo hiểm bao gồm gói sức khỏe viện phí điều trị bệnh, ngoài vấn đề chí phí y tế tăng và tình hình trục lợi bảo hiểm phức tạp, thì tuổi thọ và tình trạng bệnh tật gia tăng, đặc biệt là các bệnh nan y, cũng là vấn đề lớn khiến các công ty bảo hiểm phải đắn đo rất kỹ khi đưa ra thị trường những sản phẩm bảo hiểm sức khỏe. Phí bảo hiểm cho những sản phẩm như vậy vì thế cũng có thể tăng lên.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.