Cùng với một vài mã cổ phiếu bluechip ngành ngân hàng, những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu nhóm ngành bảo hiểm nổi lên trở thành nhóm ngành dẫn dắt thị trường.
Dòng tiền đã có sự luân chuyển khá nhanh giữa các nhóm ngành, ngoại trừ ngành ngân hàng vẫn giữ vị thế dòng tiền cao. Thị trường đi theo mô tuýp “nương theo dòng chảy” của tiền. Nhóm cổ phiếu bảo hiểm với lượng tiền đổ mạnh vào trong các phiên gần đây đã tiếp tục dư mua giá trần tại hầu hết cổ phiếu trong ngành, như: BMI, PTI, BVH, PGI…
Xu hướng này là khá bất thường bởi về mặt giao dịch, nhóm ngành này trước kia vẫn thường ít được quan tâm bởi thanh khoản thấp và không có nhiều đột biến về kết quả kinh doanh.
Theo lý giải của bộ phận phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC), với một số thông tin về nới room và sự quan tâm của truyền thông tài chính nên nhà đầu tư đang “săn lùng” cổ phiếu bảo hiểm một cách quyết liệt.
VDSC cho biết, hầu hết nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu bảo hiểm là những nhà đầu tư theo đuổi chiến lược đầu tư dài hạn, do đó, cơ cấu cổ đông của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này khá cô đặc (tỷ lệ free-float (số lượng cổ phiếu nắm giữ bởi các cổ đông sở hữu dưới 5% trên tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành) trung bình ngành bảo hiểm là dưới 20%.
Cụ thể, tỷ lệ free-float một số mã tiêu biểu trong ngành bảo hiểm như: BVH (11,09%), BMI (16,35%), PVI (14,88%), PTI(26,88%), BIC (21,62%), PGI (22,45%),…
Do đó, theo lý giải của VDSC, trong bối cảnh lực cầu cổ phiếu bảo hiểm tăng cao, nếu bên nắm giữ vẫn duy trì chiến lược đầu tư dài hạn, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu này sẽ còn tích cực trong các phiên tiếp theo.
“Chúng tôi tin rằng tâm lý đám đông và chiến lược đầu tư theo dòng tiền đã diễn ra tại nhóm ngành ngân hàng có thể tái diễn tại nhóm ngành bảo hiểm,” VDSC nhận định.
Giao dịch cổ phiếu bảo hiểm tăng 200%
Theo thống kê, khối lượng giao dịch tại các nhóm ngành do VDSC thực hiện, nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng đã sụt giảm khá mạnh về khối lượng giao dịch kể từ đầu tháng 7.
Khối lượng giao dịch trung bình hai tuần đầu tháng 7 giảm hơn 30% so với trung bình của tháng 6. Ngoài ra, nhóm ngành dịch vụ tài chính cũng đã hãm lại đà tăng trưởng giao dịch, với khối lượng giao dịch trung bình tháng 7 tương đương với trung bình tháng 6.
Trong khi đó, một số nhóm ngành khác tăng trưởng khá mạnh về giao dịch trong tháng 7 như: ngân hàng (tăng 63%), bảo hiểm (tăng 200%) và y tế (141%).
Không “ồn ào” như ngành bảo hiểm và ngân hàng, nhóm cổ phiếu y tế cũng đang được nhà đầu tư tích cực mua vào trong tháng 7. Nếu loại trừ giao dịch của JVC, nhóm ngành y tế vẫn ghi nhận khối lượng giao dịch trung bình tháng 7 cao hơn gần 50% so với tháng trước, nổi bật về giao dịch trong nhóm này: DHG, DCL, OPC.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo stockbiz.vn)