Tách vụ nghĩa là cùng một hồ sơ bồi thường, nhưng nhà bảo hiểm tính là nhiều vụ yêu cầu bảo hiểm, qua đó cho phép áp dụng chiết khấu (giảm tiền bồi thường) nhiều lần tương ứng với số vụ tổn thất, thay vì một lần như trước.
Hiện tại, hầu hết nhà bảo hiểm đều áp dụng mức khấu trừ 500.000 đồng/vụ tổn thất. Như vậy, nếu chỉ tính là một vụ tổn thất thì khách hàng chỉ phải đóng 500.000 đồng cho một hồ sơ bồi thường, còn khi tách thành nhiều vụ thì số tiền khấu trừ sẽ tăng lên tương ứng.
Theo phản ánh của khách hàng, ngày càng nhiều công ty bảo hiểm “bôi” ra thành nhiều vụ (tách vụ), tính riêng cả những trầy xước nhỏ để tăng khấu trừ. Thậm chí, có trường hợp cùng một vụ va chạm, khi đi đòi bồi thường tại cùng một công ty bảo hiểm cũng cho ra nhiều mức khấu trừ khác nhau. Chưa kể, có công ty còn trừ thêm 10% tiền bồi thường nếu khách hàng không thông báo tai nạn trong vòng 5 ngày, hoặc trừ thêm các tỷ lệ khác.
Việc thiếu đồng nhất trong cách tính bồi thường gây thắc mắc, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, trên thị trường hiện nay, hầu hết công ty bảo hiểm đều áp dụng chính sách này nhằm giữ chi phí bồi thường ở mức hợp lý, không bị đẩy lên quá cao khi lợi nhuận từ mảng bảo hiểm xe được tính theo hướng giao khoán.
Thực tế, mức khấu trừ 500.000 đồng/vụ tổn thất là không nhiều nếu tính trên mỗi vụ, nhưng tính rộng ra toàn thị trường lại là con số không hề nhỏ. Tính đến hết tháng 11/2021, bồi thường bảo hiểm xe cơ giới đạt 6.359 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 45%.
Theo ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam, việc lỗ hay lãi nghiệp vụ phụ thuộc vào chính sách quản lý chi phí của mỗi doanh nghiệp, nhưng nhìn chung nếu tỷ lệ bồi thường dưới 60% thì sẽ có lãi, còn trên 60% sẽ lỗ.
Năm 2020 – thời điểm mới áp dụng mức khấu trừ trên, những tổn thất, trầy xước nhỏ đều được nhà bảo hiểm tính là một vụ nên khách hàng khá hài lòng. Tuy nhiên, sau một thời gian, tỷ lệ bồi thường vẫn cao, khiến các công ty bảo hiểm lỗ đậm từ mảng xe phải tính toán lại.
Lãnh đạo phụ trách mảng xe bộc bạch, công ty ông đang cân nhắc việc tách và không tách vụ, nhưng khó giải trình trong trường hợp va chạm, xước xát cả 2 bên mà chỉ tính 1 vụ, nên đa số công ty bảo hiểm muốn tách vụ hơn.
Chưa kể, Bộ quy tắc đăng ký với Bộ Tài chính là mức khấu trừ trên 1 vụ tổn thất, không phải trên 1 hồ sơ khiếu nại bồi thường (claim) nên nếu công ty bảo hiểm nào làm thì phải sửa quy tắc hoặc đưa vào hợp đồng. Theo quy định hiện hành, công ty bảo hiểm vẫn phải báo cáo cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm là Bộ Tài chính, trong khi Luật Kinh doanh bảo hiểm nếu được thông qua tới đây thì nội dung này do nhà bảo hiểm tự ấn định.
Trong bối cảnh hầu hết đều thực hiện tách vụ, nếu nhà bảo hiểm nào bỏ tách vụ, chỉ áp dụng một mức khấu trừ chung là 500.000 đồng/vụ, thậm chí bỏ cả khấu trừ đối với khách hàng tái tục, thì sẽ thu hút được khách hàng. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, các công ty bảo hiểm vẫn nên tách vụ như hiện tại và hỗ trợ giảm phí, còn muốn bớt lỗ nghiệp vụ bảo hiểm xe thì cần tính toán lại chi phí quản lý, hoa hồng…, chứ không chỉ là tách hay không tách vụ.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn