Người lao động được quản lý sổ bảo hiểm xã hội (02/03/2015)

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH) điểm mới căn bản và lớn nhất về đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là người lao động  được quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình. 
 
Nhiều hệ lụy vì không được giữ sổ
 
Theo quy định hiện hành, sổ bảo hiểm xã hội của người lao động giao cho người sử dụng lao động quản lý. Giữ sổ bảo hiểm tưởng như việc nhỏ song thực tế khá nhiều hệ lụy xảy ra. Mới đây, chuyên mục hỏi đáp pháp luật nhận được thư phản ánh của bạn đọc Nguyễn Quang Vinh – Hà Nội phản ánh: Vì lý do cá nhân nên anh đã viết đơn xin thôi việc và được công ty chấp nhận. Tuy nhiên, sau đó công ty không đồng ý ký đơn thôi việc cho anh Vinh với  lý do người thay thế anh Vinh chưa nắm hết công việc (thực tế anh Vinh đã bàn giao hết việc và phải có thời gian để làm quen công việc mới). Và để giữ chân anh Vinh, công ty đã giữ sổ bảo hiểm xã hội.
 
Tại khoản 2,3 Điều 47 Bộ luật lao động quy định “Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”. 
 
Theo Luật gia Nguyễn Thanh Hương, hành vi người sử dụng lao động cố tình không trả sổ bảo hiểm xã hội đã vi phạm pháp luật về thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật bảo hiểm xã hội, người lao động có thể kiện ra tòa. Tuy nhiên do những rắc rối về thủ tục, cộng với tâm lý e ngại nên đa phần người lao động chấp nhận lép vế. 
 
Công khai, minh bạch thông tin  
 
Xuất phát từ thực trạng trên bà Nga cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có khá nhiều điểm mới. Trong đó người lao động được tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình. Đáng chú ý, định kỳ 6 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng BHXH. Hàng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng BHXH. Ngoài ra người lao động có quyền  yêu cầu  người sử dụng lao động  và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội.  
 
Theo bà Trần Thị Thúy Nga, cùng với quy định trên Luật Bảo hiểm xã hội bổ sung thêm trách nhiệm của người sử dụng lao động. Cụ thể người sử dụng lao động định kỳ 06 tháng phải niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động; hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp. Cùng với đó Luật cũng bổ sung thêm các  quyền đối với tổ chức bảo hiểm xã hội như yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vietstock.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.