(PetroTimes) – 7 giờ sáng tại Bệnh viện (BV) Xanh Pôn, ở khu khám chữa bệnh gồm 6 phòng dành cho người có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân ngồi ken đặc đến nỗi 2 bệnh nhân phải ngồi chung một ghế để sẻ chia nỗi vất vả, đau yếu của người ốm. Rồi có cả những bệnh nhân phải đứng đợi đến lượt khám. Phần lớn trong số họ đều là người già.
Năng lượng Mới số 430
Có người đã đến BV từ 5h30 – 6h để xếp hàng lấy số khám đầu tiên nhằm tránh nóng, tránh sự chờ đợi “chồn chân mỏi gối”. So với họ, tưởng như trong phòng khám có điều hòa, có ghế ngồi yên vị, có cả màu trắng bao quanh đầy tinh khiết, sạch sẽ, các bác sĩ sẽ sung sướng, an nhàn hơn nhưng thực ra họ đang vất vả không kém, thậm chí còn hơn bởi họ đang thực hiện “thiên chức” của một người nguyện làm theo lời thề Hippocrates một cách đúng nghĩa và đầy đủ nhất.
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân
Khi bác sĩ vào phòng khám, có điều hòa, có ghế ngồi, có chủ động trong công việc đấy nhưng phía trước họ là hàng trăm bệnh nhân đang ngồi chờ đợi.
Nếu khám mỗi bệnh nhân mất khoảng 20 phút, chưa kể thời gian đọc kết quả xét nghiệm nếu có, nhân lên với số bệnh nhân lên đến hàng trăm người mỗi ngày là quá căng thẳng với bác sĩ. Tuy nhiên, mất thời gian nhất không phải là việc khám bệnh mà là tư vấn cho bệnh nhân sau khi khám. Và chính điều này cũng làm “hao tâm tổn sức” của bác sĩ.
Một bệnh nhân già vào khám chuyên khoa nội tại phòng khám của bác sĩ Phạm Thúy Hằng, Phó trưởng khoa Nội II, BV Xanh Pôn. Vừa thấy bà, bác sĩ Hằng đã đon đả: “Hôm nay cụ đi khám định kỳ đấy ạ. Để cháu đỡ cụ ngồi”.
Sau đó, bác sĩ đo huyết áp, khám và kê đơn thuốc cho bệnh nhân cùng với tư vấn cặn kẽ về việc uống thuốc như thế nào, ăn uống kiêng cữ và nên tập thể dục hằng ngày thế nào phải đến 20 phút với một thái độ rất nhã nhặn, nhiệt tình và đặc biệt thể hiện rõ sự tôn trọng đối với bệnh nhân. Thế nhưng, có lẽ vì tính quá cẩn thận hoặc đã lẫn của người già mà bệnh nhân hỏi đi hỏi lại mỗi hai câu: “Thế tôi phải kiêng ăn mỡ tuyệt đối à?” và “Hằng ngày tôi phải cố gắng đi bộ à”.
Vậy mà bác sĩ Hằng vẫn kiên nhẫn trả lời đến chục lần chỉ một nội dung. Không những vậy, cuối mỗi câu, bác sĩ còn nói: “Vâng ạ, cụ nhớ nhé”, nghe rất… ngọt!
Không chỉ có bệnh nhân này mà với các bệnh nhân khác, bác sĩ Phạm Thúy Hằng đều có thái độ như vậy. Và cũng không chỉ có bác sĩ Phạm Thúy Hằng mà nhiều bác sĩ ở BV Xanh Pôn cũng có cách ứng xử như vậy.
Nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế, đối tượng chữa bệnh chịu phân biệt đối xử nhiều nhất của ngành y sau khi khám tại BV Xanh Pôn đã đưa ra nhận xét như thế này: “Nếu so với một năm trước đây thì bây giờ, thái độ phục vụ của các bác sĩ tận tình, tôn trọng bệnh nhân hơn nhiều. Không còn thái độ hách dịch, bẳn gắt, hoạnh họe… Nói thật là dù đi khám có vất vả, cực nhọc lúc chờ đợi, chạy đi chạy lại làm các xét nghiệm nhưng được phục vụ bởi thái độ như vậy bệnh nhân cũng thấy… bõ công và có khi còn thấy khỏe ra ấy chứ”!
Tương tự, tại BV 108, trong những ngày nắng nóng, bệnh nhân đông hơn so với ngày thường từ 10-20%, phòng khám mỗi chuyên khoa lại nhỏ, chỉ chừng 5-7m2, ngay cả khu vực chờ cũng chật hẹp đến nỗi người ngồi chờ chật cứng càng làm cho không khí vốn đã hầm hập càng hầm hập hơn, vậy mà các bác sĩ điều trị ở đây vẫn vui vẻ, hòa nhã.
Đến phòng khám số 9 chuyên về thần kinh của bác sĩ Nguyễn Ngọc Lan, bệnh nhân còn cảm thấy “mát lòng mát dạ” vì mỗi lời nói hay hành động của bác sĩ đều khiến cho bệnh nhân cảm thấy họ đang được chăm sóc, quan tâm. Ngay như có một bệnh nhân xăm trổ đầy mình, cầm tập kết quả xét nghiệm vào định chen ngang với lời nói ngổ ngáo, nhưng trước thái độ nhã nhặn, lịch thiệp nhưng nghiêm nghị của bác sĩ, anh ta cũng cảm thấy sượng sùng.
Tại BV Đại học Y hay BV Lão khoa Trung ương cũng vậy, bệnh nhân ngồi như nêm thế mà tại các phòng khám của các bác sĩ Nguyễn Văn Hướng (chuyên khoa thần kinh), Nguyễn Xuân Trường (chuyên khoa Nội), dẫu rất mệt vì đã khám cả ngày với hàng trăm bệnh nhân, vậy mà đã 4 giờ chiều, tóc đẫm mồ hôi dẫu ngồi “phòng lạnh” các bác sĩ vẫn vui vẻ, tận tình với các bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hướng với âm hưởng của giọng miền Trung trầm ấm, nhẹ nhàng giải thích cặn kẽ với bệnh nhân từ “cơ chế” gây bệnh, biến chứng đến cách điều trị, kiêng cữ…
Còn bác sĩ Nguyễn Xuân Trường (BV Lão Khoa) thì với mỗi bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi mỗi lần khám là một lần bác sĩ ân cần thăm hỏi như người trong một nhà. Có nhiều bệnh nhân đi khám định kỳ sai hẹn nên mới mở cửa bước vào phòng, bác sĩ đã nhắc nhở một cách hài hước: “Ôi, tháng rưỡi qua chắc sức khỏe tốt nên bác không đến gặp tôi à? Hay bác chán nhìn mặt tôi rồi sao? Tôi thì nhớ bác lắm đấy!”.
Bác sĩ Trường nói: “Với mỗi bệnh nhân thực ra, khi mang bệnh, trong lòng họ đã âu sầu, lo lắng lắm rồi. Nếu đi khám, bác sĩ lại làm họ mệt mỏi, căng thẳng thêm bởi thái độ của mình thì thật không phải. Mình phải làm cho họ lạc quan hơn, vui vẻ hơn, ngay cả khi đi điều trị thì sức khỏe của họ mới tốt hơn được và bệnh tật mới “lui” được”.
Giải thích về sự thay đổi trong tinh thần phục vụ bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên đây, rất nhiều bác sĩ cho rằng, đó là kết quả của công tác giáo dục đạo đức quyết liệt trong ngành y và giáo dục này không chỉ bằng lý thuyết “suông” mà bằng cả hành động thiết thực. Nếu trước đây cũng thực hiện như vậy nhưng không thành “chiến lược”, không quyết đoán, nghiêm khắc nên không đạt được hiệu quả.
Còn hiện nay như ThS.Bác sĩ Trần Diệu Linh, Phó giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định: “Hiện nay, các kênh thông tin rất nhiều vì vậy khi xảy ra bất kể điều gì dù hay dở trong ngành thì đều có thể nhanh chóng đến với không chỉ cán bộ lãnh đạo các cấp của ngành y mà còn đến với dư luận. Và khi dư luận đã biết rộng rãi thì hiệu ứng thông tin diễn ra rất nhanh, làm cho người trong cuộc hoặc là cảm thấy rất vinh dự hoặc cảm thấy xấu hổ (tùy theo sự việc)”.
GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, ĐH Y, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn khẳng định: “Để giáo dục y đức đạt hiệu quả phần nào như hiện nay theo tôi, ngoài những bài học đạo đức, chuyên môn trên giảng đường hay tại chính bệnh viện, những nhà quản lý, lãnh đạo đã giáo dục thiết thực bằng cách cho nhân viên y tế trẻ tiếp cận với những môi trường y tế khó khăn, thiếu thốn khác như ở vùng cao để họ thấy họ đang ở đâu nhằm từ đó giáo dục, nuôi dưỡng ý thức, lòng nhân ái của nghề nghiệp và của cá nhân để xác định rõ tinh thần làm việc. Tôi đã làm như vậy và thấy hiệu quả. Cùng với đó, theo tôi, vai trò của người thầy, người lãnh đạo phải là tấm gương sáng cho sinh viên, nhân viên noi theo”.
Không ít bác sĩ khác đã cho rằng, “chiến lược” giảm tải bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến trên hiện nay cũng là một căn nguyên giúp cho tinh thần phục vụ người bệnh của các cơ sở y tế thay đổi tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Các bệnh viện phải hướng tới phong cách phục vụ “đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo” như… tiêu chuẩn phục vụ của hàng không. Chỉ khác là đối mặt với nỗi đau đớn, mệt mỏi của bệnh nhân thì nhân viên y tế không thể lúc nào cũng cười mà phải có gương mặt hài hòa, ân cần hỏi han, chăm sóc bệnh nhân. Nếu bệnh viện không nâng cao chất lượng, không thay đổi thái độ đuổi bệnh nhân thì có lẽ sẽ đến lúc bệnh viện phải ngồi chơi xơi nước”. |
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo petrotimes.vn)