Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố tại Hội thảo Chính sách tiền lương tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập diễn ra sáng 25/11 cho thấy, lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức lương cao nhất với bình quân 7,23 triệu đồng/tháng.
Theo Điều tra Lực lượng Lao động năm 2013, ngành Hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ và Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng là các ngành trong nhóm có mức lương bình quân hàng tháng cao nhất, tương ứng là 6,53 triệu đồng/tháng và 6,4 triệu đồng/tháng.
Trong khi ngành Nông nghiệp chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động làm công ăn lương của ngành này chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số lao động làm công ăn lương tại Việt Nam.
Lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản cũng thuộc nhóm lao động có mức lương bình quân hàng tháng thấp nhất – 2,63 triệu đồng/tháng.
Mặc dù tỷ lệ chênh lệch lương theo giới ở Việt Nam chỉ mức ở chưa đến 10%, nhưng đối với ngành nông nghiệp – ngành có mức lương rất thấp, con số này là 32%. Đây là mức chênh lệch lớn nhất so với tất cả các ngành.
Tuy nhiên, trong hai ngành có mức lương cao nhất – ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, và ngành hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ, lao động nữ lại được trả lương cao hơn nam giới một chút, tương ứng ở mức 3,4% và 1,4%.
“Tiền lương và cách thức phân bổ tiền lương có ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với người lao động mà còn đối với cách thức phát triển và tiến hóa của xã hội. Tiền lương là một chỉ số quan trọng cho thấy một xã hội sẽ trở nên bình đẳng hơn hay bất bình đẳng hơn”, bà Sandra Polaski – Phó Tổng Giám đốc ILO – nhìn nhận.
Tuần tới, ILO sẽ công bố Báo cáo tiền lương toàn cầu cho năm 2014/2015, trình bày những phát hiện của nghiên cứu mới về mối liên hệ giữa phân bổ tiền lương và bất bình đẳng thu nhập nói chung.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo cafebiz.vn)