Theo cuộc khảo sát mới nhất của Tập đoàn Manulife Financial, phần lớn các nhà đầu tư châu Á cho rằng, quy định tuổi nghỉ hưu tại châu Á hiện không còn phù hợp với thực tiễn và cần được nâng lên. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, dù còn nhiều tranh cãi, nhưng cơ quan chức năng cũng đang cân nhắc vấn đề này.
Kết quả cuộc khảo sát của Manulife về chỉ số lạc quan của nhà đầu tư trong quý I/2014 cho thấy, hơn một nửa số nhà đầu tư châu Á được khảo sát đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu, 1/4 người được khảo sát không đồng tình và số còn lại không có ý kiến. Indonesia, Malaysia và Philippines là những thị trường ủng hộ nhiều nhất cho sự thay đổi này, với 2/3 số người được hỏi đồng tình với việc tăng tuổi hưu. Khoảng 1/2 người được khảo sát ở Hồng Kông cũng đồng tình với việc này. Ở Trung Quốc, có tới 64% người tham gia khảo sát không đồng tình với việc gia tăng tuổi hưu chính thức.
Người dân châu Á nhận ra rằng, họ có nhu cầu làm việc sau tuổi hưu bình thường ở những vị trí tương ứng với họ, vừa tăng thu nhập vừa có thể tận hưởng cuộc sống với chất lượng cao hơn thông qua việc chủ động làm việc và tham gia các hoạt động của cộng đồng. Cuộc khảo sát cho thấy, 60% người châu Á mong muốn làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian lúc về hưu, trong đó có khoảng 80% người được hỏi xem đây là cách để giữ kết nối và rèn luyện sức khỏe cũng như là một nguồn thu nhập của họ. Những người được khảo sát mong muốn tiếp tục làm việc trung bình thêm 6 năm nữa sau tuổi nghỉ hưu chính thức của nước họ. Tuổi nghỉ hưu chính thức tại châu Á dao động từ 55 – 65 tuổi, tuy nhiên phần lớn họ tiếp tục làm việc sau tuổi hưu và tuổi nghỉ hưu thực tế cao hơn tuổi hưu chính thức, ngoại trừ Trung Quốc.
Ông Robert A. Cook, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Manulife Financial tại châu Á cho biết, kết quả của cuộc khảo sát này gây chú ý khi cho thấy rằng, người dân nhận thấy tuổi nghỉ hưu hiện tại không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế. Điều này có nghĩa là tuổi hưu hiện nay ở châu Á phù hợp với tình hình cách đây 20 hoặc 30 năm, nhưng đã không còn phù hợp vào thời điểm hiện tại. Họ cũng biết rằng, họ cần phải tiếp tục làm việc sau khi về hưu, vì vậy, họ thấy xứng đáng được nâng cao tuổi nghỉ hưu để chính thức hóa việc này.
Trao đổi với ĐTCK xung quanh đề xuất nâng tuổi hưu, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu nếu được thông qua sẽ có ảnh hưởng đến ngành bảo hiểm, như khiến các công ty bảo hiểm phải tính toán lại cách thiết kế về quyền lợi, điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm. Tuy nhiên, những thay đổi này không phải quá lớn, không ảnh hưởng nhiều đến ngành bảo hiểm.
“Đối với bảo hiểm hưu trí đang được triển khai, do đây là sản phẩm thiên về tiết kiệm và đầu tư, chứ không phải là bảo vệ, nên việc thay đổi tuổi hưu khi đáo hạn hợp đồng không ảnh hưởng nhiều về mặt thiết kế sản phẩm như các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khác”, vị đại diện trên cho biết.
Cùng với tuổi hưu đang được thiết kế tăng thêm thì việc tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng tăng trên toàn thế giới cũng đặt các nhà bảo hiểm trước những thách thức mới để tạo ra một thị trường bảo hiểm tuổi thọ đủ mạnh. Bởi đối với các công ty bảo hiểm hay những dự án phúc lợi hưu trí, tỷ lệ tử vong tăng sẽ dẫn đến rủi ro số tiền chi trả vượt quá dự tính. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, mặc dù yêu cầu đặt ra là cấp thiết, nhưng việc quản lý rủi ro tuổi thọ cũng như các sản phẩm bảo hiểm tuổi thọ ở châu Á vẫn còn kém phát triển.