Đến tháng 9/2016, tổng nguồn vốn huy động đã tăng lên 183 nghìn tỷ đồng. Đã có 8,7% tổng nguồn vốn huy động được đầu tư trở lại vào Trái phiếu Chính phủ, chủ yếu kỳ hạn dài. Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm nhận định đây là chủ trương đúng đắn.
Báo cáo tại Hội thảo Chính sách phát triển thị trường bảo hiểm và giải pháp CNTT do Bộ Tài chính tổ chức vào sáng ngày 14/10, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính cho biết quy mô thị trường bảo hiểm đã tăng trưởng mạnh và hoàn thành mục tiêu đề ra giai đoạn 2011-2015.
Hơn 8,7% nguồn vốn huy động từ bảo hiểm đầu tư Trái phiếu Chính phủ
Tổng doanh thu ngành bảo hiểm đến năm 2015 đạt khoảng 2% GDP, đạt mục tiêu giai đoạn 2011-2015 đạt 2- 3% GDP đã đề ra. Mức tăng trưởng bình quân đạt 16,8%/ năm, từ gần 47 nghìn tỷ năm 2011 lên 84,5 nghìn tỷ đồng năm 2015. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 22,9%/năm; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng bình quân 13.41%. Mục tiêu doanh thu ngành bảo hiểm đến năm 2020 sẽ nâng lên, đạt 3% – 4% GDP.
Tính đến tháng 9/2016, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 70 nghìn tỷ, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng từ 200 nghìn tỷ lên 235.000 tỷ đồng sau 9 tháng.
Quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cuối năm 2015 đạt 119,54 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần, cao hơn so với chiến lược đề ra. Đến cuối tháng 9, quy mô quỹ đã tăng lên 145 nghìn tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế từ thị trường bảo hiểm đến năm 2015 đạt 160,47 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch của Bộ Tài chính đến năm 2020 sẽ tăng tổng nguồn vốn huy động từ bảo hiểm gấp 3,5 lần năm 2010.
Đến tháng 9/2016, nguồn vốn đã tăng 183 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn của bảo hiểm đã trở lại đầu tư dài hạn cho nền kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm, các DNBH đã đầu tư 16.000 tỷ đồng vào trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài. Như vậy, có 8,7% nguồn vốn huy động từ bảo hiểm đầu tư Trái phiếu Chính phủ
“Đây là chủ trương đúng đắn, sẽ kéo dài thời hạn trái phiếu chính phủ, tái cơ cấu nợ công và thu hút vốn đầu tư dự án cơ sở hạ tầng cho đất nước.”, ông Phùng Ngọc Khánh cho hay.
Giai đoạn 5 năm trước, thị trường bảo hiểm đóng góp vào ngân sách nhà nước tổng cộng 7.558 tỷ đồng, trong đó DNBH nhân thọ đóng góp 4.344 tỷ đồng, DNBH phi nhân thọ đóng góp 3.215 tỷ đồng.
Chỉ 1/62 doanh nghiệp có khó khăn về tài chính, nhìn chung lành mạnh
Đến cuối tháng 9/2016, toàn thị trường có 62 doanh nghiệp hoạt động, bao gồm 18 DN BH nhân thọ, 30 DNBH phi nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Tổng số CBCNV hoạt động trong lĩnh vực này đến nay đạt trên 550.000 người.
Báo cáo tại Hội thảo, Cục trưởng Cục giám sát bảo hiểm cho biết hiện chỉ có một doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất có gặp khó khăn về tài chính nhưng vẫn đảm bảo hoạt động và quyền lợi khách hàng. Ông Khánh cũng tự tin khẳng định gần 100% doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về quản lý doanh nghiệp, gần như không có nợ xấu.
Giai đoạn trước năm 2013, nợ xấu bảo hiểm hay các khoản phải thu doanh thu phí bảo hiểm cũng có với tỷ lệ khoảng 10%. Nhưng đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống 2% chủ yếu do các kỳ giao thoa.
“Doanh thu phí bảo hiểm hiện chủ yếu là tiền mặt, không phải tiền… giấy”, người đứng đầu Cục Giám sát Bảo hiểm tự tin về tính lành mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ndh.vn)