Ngân sách hỗ trợ 100% bảo hiểm cho thuyền viên

(HQ Online)- Giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri về hỗ trợ cho ngư dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, NSNN đã hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên; từ 70 đến 90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ…

4.500 tỷ đồng là khoản kinh phí hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Ảnh Internet.

Đến nay, đã có 21/28 tỉnh, thành phố thực hiện bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, tai nạn thuyền viên với tổng số phí bảo hiểm là 46,286 tỷ đồng; tổng giá trị được bảo hiểm 2.983,687 tỷ đồng; số tàu trên 90 CV tham gia bảo hiểm là 1.837 chiếc; số thuyền viên được bảo hiểm là 23.604 người.

Thực hiện chính sách ưu đãi về thuế, Chính phủ đã miễn thuế đối với thu nhập từ nuôi trồng, chế biến thủy sản; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực ngư nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, miễn thuế Thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các thuyền viên, của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ…

Đối với thuế Tài nguyên, đã thực hiện miễn đối với hải sản tự nhiên khai thác; miễn thuế Môn bài đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở các hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước…

Giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản và dành khoản kinh phí 4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ.

Theo đó, Chính phủ đã quyết định kinh phí đầu tư hàng năm từ năm 2015 đến năm 2020 tăng tối thiểu gấp 2 lần so với giai đoạn 2011- 2014, bảo đảm đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án theo quy định; tập trung ưu tiên xây dựng, nâng cấp công trình tại các đảo và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; bố trí vốn đầu tư xây các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm…

Chính sách tín dụng ưu đãi đối với ngư dân đóng tàu công suất lớn cả về thời hạn vay và lãi suất, đã có 23/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, với 818 tàu từ 400 CV trở lên, trong đó đóng mới 731 tàu, nâng cấp 87 tàu; đã cho vay để đóng mới, nâng cấp 52 tàu (48 tàu đóng mới và 4 tàu nâng cấp), với tổng số tiền 525 tỷ đồng; cho vay vốn lưu động đối với 89 khách hàng tại 7 tỉnh, với số tiền 24 tỷ đồng.

Trả lời làm rõ thêm ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định, chính sách của chúng ta đã đi đúng hướng, người dân đã đăng ký đóng tàu lớn, tàu vỏ thép chiến từ 50% trở lên.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, hiện đã ký hợp đồng được 52 tàu, đang giải ngân tổng số tiền là 525 tỷ đồng (100 tỷ đồng đã giải ngân xong), trong đó có 10 tàu đã giải ngân trên 50%. Tuy nhiên, do thời gian đóng tàu nhất là tàu vỏ thép và công suất lớn tối thiểu từ 7 tháng đến 1 năm tùy theo công suất của tàu lớn hay bé, nên theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tốc độ triển khai Nghị định “không phải quá chậm”.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohaiquan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.