(TBTCO) – Trước sức ép dư thừa vốn do cho vay chậm, một số ngân hàng lớn đã bắt đầu giảm lãi suất huy động để cân đối chi phí và lợi nhuận.
Đầu tuần này, Sở Giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố biểu lãi suất huy động mới, giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động VND của Sở Giao dịch Vietcombank đã giảm thêm 0,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm còn 4,8%/năm; kỳ hạn 2 tháng là 5%; kỳ hạn 3 tháng là 5,5%; các kỳ hạn 6 – 9 tháng chỉ là 5,7%/năm; mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm áp cho các kỳ hạn từ 24 – 60 tháng.
Đây là lần giảm lãi suất huy động thứ hai của ngân hàng này kể từ đầu năm. Là một ngân hàng hàng đầu với thanh khoản dồi dào, Vietcombank thường là ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất trong hệ thống.
Cũng từ đầu tuần, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới với VNĐ. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng giảm còn 4,5%/năm; kỳ hạn 2 tháng là 5%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 5,75%/năm; 6 tháng là 6%/năm; 9 tháng là 6,5%/năm. Lãi suất huy động cao nhất 7,2% ở kỳ hạn 12 tháng, và các kỳ hạn dài hơn ở mức 7%.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn duy trì mức lãi suất trần huy động là 6%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Sức ép giảm lãi suất đang lớn dần với các ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng chậm hơn nhiều so với tăng trưởng huy động. Tại Vietcombank, tốc độ tăng huy động là 14% trong khi tăng tín dụng là 6,6%. Tỷ lệ huy động/cho vay của Vietcombank vào khoảng 77%. Tại BIDV, tốc độ tăng huy động cũng lên tới gần 14% trong khi tốc độ tăng tín dụng chỉ 1,66%.
Đây cũng là tình hình chung của toàn hệ thống khi báo cáo của NHNN cho biết, tốc độ tăng huy động của các ngân hàng là gần 7% trong khi tăng tín dụng chỉ 3,68%. Vốn dư thừa khiến các ngân hàng quay sang mua trái phiếu chính phủ và tín phiếu NHNN. Tuy nhiên, trong bối cảnh lợi suất của trái phiếu đang giảm liên tục thì các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất huy động để cân đối chi phí và lợi nhuận./.