Sáng ngày 07/8, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 10, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên giải trình.
Về phía các cơ quan chịu trách nhiệm giải trình có: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe và giảm thấp nhất chi phí cho người dân. Chủ nhiệm Ủy ban cũng khẳng định, để hoàn thiện hơn nữa mạng lưới y tế cơ sở thì cần xem xét, đánh giá thực trạng các khó khăn vướng mắc và nguyên nhân yếu kém, từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, với lý do đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Phiên giải trình về nội dung này tại phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 10.
Củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở
Báo cáo tại phiên giải trình về chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thành tựu lớn nhất của ngành y tế trong thời gian vừa qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Cả nước cả nước có 669 bệnh viện/trung tâm y tế tuyến huyện với hơn 78.481 giường bệnh, 11.083 trạm y tế xã isn 49.544 giường. 100% số xã có trạm y tế (99,4% có nhà trạm, 0,6% phải nhờ các cơ sở khác), khoảng 60% đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; khoảng 87,5% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc (gồm bác sỹ tại trạm và bác sỹ luân phiên về làm việc một số ngày nhất định trong tuần); 96% có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 95,0% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%; trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh BHYT. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, 240 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo tại phiên giải trình.
Số nhân lực y tế tuyến huyện là hơn 100.000 người, số nhân viên y tế tuyến xã khoảng 70.000 người. Bên cạnh đó, về dự phòng nâng cao sức khỏe, mạng lưới y tế cơ sở đã tham gia tích cức và góp phần quan trọng vào việc dự phòng tích cực, chủ động và toàn diện: công tác tiêm chủng được củng cố vững chắc, triển khai bền vững tại 100% xã, phường; công tác bảo vệ và chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh được triển khai rộng khắp; phòng chống bệnh không lây nhiễm bước đầu có hiệu quả tích cực. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến huyện ngày càng tăng, nhiều đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân lên đến gần 50% số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện/ trung tâm y tế huyện.
Mạng lưới y tế cơ sở đã tham gia tích cực và góp phần quan trọng vào việc dự phòng tích cực, chủ động và toàn diện: Làm tốt công tác tiêm chủng tại 100% xã, phường, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em luôn đạt trên 90%, với 12 loại vắc xin; tiêm chủng dịch vụ với 23 loại vắc xin (trong tổng số 35 loại vắc xin trên thế giới). Y tế cơ sở đã tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trước đây và chương trình mục tiêu y tế dân số, góp phần giảm mắc hàng trăm, hàng nghìn lần các bệnh có vắc xin phòng ngừa; thanh toán, loại trừ được bệnh phong, bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh; giảm mạnh tỷ lệ mắc, chết một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Kiểm soát và đạt mục tiêu toàn cầu về phòng chống bệnh lao, sốt rét, sởi. Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,3%, tỷ lệ người nghiện ma túy được điều trị bằng thuốc thay thế, người nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV tại cộng đồng, tại y tế cơ sở ngày càng cao.
Quang cảnh Phiên giải trình.
Y tế cơ sở đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đưa Việt Nam là một trong các điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) trong lĩnh vực y tế, hiện nay đang tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), được quốc tế đánh giá cao. Đã thí điểm quản lý một số bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản tại một số tỉnh như Bắc Giang, Hà Nam, Hà Nội… Một số thành phố lớn đã thí điểm mô hình kết hợp chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình (giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại địa bàn sinh sống, thực hiện tốt phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; “quản lý sức khỏe liên tục, lồng ghép, toàn diện” dựa vào cộng đồng.
Tại tuyến huyện: Số lượng các dịch vụ thực hiện theo phân tuyến kỹ thuật ngày càng tăng, một số đơn vị đã thực hiện được một số kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân, gần 50% số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện/trung tâm y tế huyện. Tại tuyến xã: Nhiều trạm đã đổi mới hoạt động KCB, đến năm 2018 đã có 9.821 trạm (trên 80%) đủ điều kiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ BHYT; khoảng 80% người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại y tế cơ sở (tuyến huyện là 47%, tuyến xã là 33%). Số lượt KCB BHYT tại y tế cơ sở đạt khoảng 70% (xã khoảng 20%, huyện khoảng 50%). Chất lượng KCB ngày càng tăng, báo cáo chỉ số hài lòng của người bệnh dựa trên kết quả đánh giá độc lập từ tháng 9/2016 đến 12/2017 cho thấy mức độ hài lòng của người bệnh nội trú đối với chất lượng dịch vụ KCB đạt mức 79,6%; chỉ số PAPI 2016 công bố tháng 4/2017 cho thấy các bệnh viện, đặc biệt là ở tuyến huyện đã có thay đổi lớn về chất lượng, người dân đã hài lòng hơn với các dịch vụ y tế.
Ngoài những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao; người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại một số bệnh viện y tế xã nên thường vượt tuyến không cần thiết, gây quá tải tuyến trên và lãng phí xã hội.
Báo cáo giải trình tại phiên họp về những nội dung thuộc trách nhiệm của BHXH Việt Nam, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nêu rõ, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố và phân cấp cho BHXH cấp huyện để tổ chức thực hiện BHYT trong khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở; hướng dẫn người tham gia BHYT lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, trong đó được quyền đăng ký KCB ban đầu tại tuyến y tế cơ sở không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB; ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện theo quy định; thực hiện công tác giám định BHYT; thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Năm 2017, có 61% số lượng thẻ BHYT được đăng ký KCB ban đầu tại tuyến y tế cơ sở; năm 2018, có 71% thẻ BHYT được đăng ký KCB ban đầu tại tuyến y tế cơ sở, tăng 10% so với năm 2017. Năm 2017, số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT là 2.167, trong đó có 1.243 cơ sở KCB tuyến huyện, 239 y tế cơ quan và gần 10.000 trạm y tế xã. Năm 2018, số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT là 2.316, trong đó có 1.407 cơ sở KCB tuyến huyện, 211 y tế cơ quan và gần 10.000 trạm y tế xã.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận định, khi hệ thống y tế cơ sở phát triển sẽ giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được tăng cường; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân; người dân không phải đi lại tốn kém lên tuyến trên, gây quá tải tuyến trên và phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng chỉ ra rằng hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.
Tham gia báo cáo, giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, trong giai đoạn 2011-2015 nguồn vốn từ ngân sách Trung ương đầu tư cho y tế cơ sở chủ yếu từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu cho y tế, nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc 03 Chương trình về mục tiêu quốc gia, nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn ODA và viện trợ phi chính phủ. Giai đoạn này, hầu hết các bệnh viện đa khoa huyện, khu vực liên huyện các phòng khám đa khoa khu vực đã được nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới, góp phần tăng số giường bệnh/ 10.000 dân từ 17,9 lên 25,7 giường bệnh/ 10.000 dân.
Về các chính sách tài chính phục vụ cho y tế cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nêu rõ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, bộ, ngành liên quan cùng các cơ quan của Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp, BHYT giai đoạn 2016-2018 và 2019-2021; Bộ cũng chủ động phối hợp với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam trong việc xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT để bảo đảm quyền lợi của người tham gia, cơ sở y tế và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Tăng cường chất lượng y tế cơ sở
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực cố gắng của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan trong thực hiện công tác y tế cơ sở và cùng thống nhất về vai trò, tầm quan trọng của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các đại biểu cũng thống nhất, bên cạnh những kết quả đạt được, y tế cơ sở vẫn còn những hạn chế yếu kém. Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác y tế cơ sở, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong đó, việc làm sao để mọi người dân nhận thức được vấn đề mấu chốt về chăm sóc sức khỏe và y tế cơ sở, tin tưởng y tế cơ sở là rất quan trọng. Cần xác định cụ thể nội dung hoạt động của y tế cơ sở là gắn kết chặt chẽ với chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân.
Kết thúc Phiên giải trình, 100% các đại biểu tham dự tán thành với Dự thảo kết luận Phiên giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao sự tham gia, đóng góp ý kiến nhiệt tình, thẳng thắn của các bộ, ngành và các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban cũng khẳng định, kết quả của Phiên giải trình thể hiện sự chung tay của cả hệ thống Chính trị, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành giúp cho mạng lưới y tế cơ sở ngày càng phát triển bền vững, thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân một cách toàn diện, chu đáo, chất lượng và hiệu quả.
Theo baohiemxahoi.gov.vn