Mùa mưa, bảo hiểm xe lại “lụt”

Cứ mỗi khi xảy ra ngập úng, cả nhà bảo hiểm lẫn chủ xe ô tô lại loay hoay với bài toán bồi thường bảo hiểm xe.

Tuần qua, Hà Nội hứng chịu những cơn mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu, nhiều phương tiện bị chết máy, không di chuyển được, trong đó có những xe ô tô đã mua bảo hiểm thân vỏ xe có quyền lợi bảo hiểm ngập nước, thủy kích.

Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng xe bị ngập nước cũng như được chi trả bảo hiểm, nhưng theo nguồn tin của phóng viên, nhiều nhà bảo hiểm bán chạy sản phẩm này như PJICO, Bảo Việt, PTI, BSH, Xuân Thành… bắt đầu nhận được yêu cầu bồi thường bảo hiểm đối với xe bị ngập nước từ khách hàng.

Thực tế, tại Việt Nam, tình trạng ngập úng cục bộ sau những cơn mưa lớn thường xuyên diễn ra ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…, cho nên sản phẩm bảo hiểm xe được nhiều người quan tâm. Thế nhưng, nhiều chủ xe ô tô vẫn luôn băn khoăn không rõ trường hợp nào sẽ bị từ chối chi trả bảo hiểm bởi cách giải quyết bồi thường, giảm trừ bảo hiểm của mỗi nhà bảo hiểm khác nhau (xem bảng).

Trong khi đó, cách xử lý của chủ xe khi đi qua vùng ngập cũng khác nhau, có trường hợp cố khởi động lại động cơ dù máy đã tắt khi bị ngập, dẫn đến ô tô bị thuỷ kích (nước tràn vào làm hỏng động cơ) và trong trường hợp này, chi phí sửa chữa thường rất lớn.

Với chủ xe, nỗi lo quyền lợi bảo hiểm bị ảnh hưởng luôn hiện hữu bởi chỉ một sơ xuất dù nhỏ cũng có thể trở thành lý do bị giảm trừ tiền bảo hiểm, thậm chí từ chối chi trả.

Về phía nhà bảo hiểm, kiểm soát chi phí bồi thường là nhiệm vụ “sống còn” bởi trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận, nhất là với những những nghiệp vụ có rủi ro cao như bảo hiểm xe. Do đó, không hiếm trường hợp nhà bảo hiểm gây khó dễ cho khách hàng với mục đích hạn chế chi phí bồi thường tăng, từ đó dẫn đến tranh chấp.

Đơn cử, mới đây, bộ phận giám định một công ty bảo hiểm yêu cầu một số chủ xe phải trình giấy xác nhận của công an phường về việc xe bị ngập nước tại vị trí đó để làm căn cứ giải quyết bồi thường. Các chủ xe phản ứng gay gắt vì cho rằng, công an phường không có nhiệm vụ xác nhận xe bị ngập nên chủ xe chỉ cần thông báo về sự cố ngập nước là đủ, việc xác minh thông tin là trách nhiệm của nhà bảo hiểm.

Theo Điều 48 – Luật Kinh doanh bảo hiểm, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.

Lãnh đạo một công ty bảo hiểm nằm trong tốp 3 về bảo hiểm xe cho biết, đối với trường hợp xe ngập nước, về nguyên tắc không cần có xác nhận của công an. Thế nhưng, xe bị ngập nước, thủy kích thường dẫn đến thiệt hại lớn, có thể lên tới 2/3 giá trị xe, nên việc nhà bảo hiểm đưa ra các rào cản là dễ hiểu.

Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn bảo hiểm InFair) giải thích, ngập nước là xe bị ngập, còn thủy kích là hiện tượng nước tràn vào động cơ qua cửa hút gió gây hư hỏng động cơ, nếu xe không mua điều khoản thủy kích, bảo hiểm định loại trừ thiệt hại động cơ là sai, ngập nước chứ không phải thủy kích, chủ xe sẽ được bồi thường toàn bộ.

“Ngập nước là một rủi ro cơ bản được bảo hiểm, không phải mua thêm điều khoản mở rộng nào. Do đó, động cơ, hệ thống điện mặc định được bảo hiểm”, ông Xuân nói và chia sẻ thêm, nếu mua điều khoản thủy kích mà đơn vị bảo hiểm đòi đền theo điều kiện thủy kích (thông thường là chỉ bồi thường 70-80%) cũng không đúng.

“Một số công ty loại trừ thiệt hại hệ thống điện do xe hoạt động trong vùng ngập nước, nhưng xe bị ngập khi không hoạt động thì không bị loại trừ, nên nhà bảo hiểm phải bồi thường 100% cho chủ xe, trường hợp bị thủy kích thì chịu khấu trừ theo điều khoản thủy kích riêng phần động cơ”, ông Xuân cho hay.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.