Theo quy định cũ trước đây, người dân chỉ cần có nhu cầu là có thể dễ dàng mua BHYT tự nguyện. Nhưng với quy định mới của Luật BHYT (hiệu lực từ 1/1/2015), khi có nhu cầu, người dân bắt buộc phải mua BHYT cho cả gia đình (trừ người đã mua hoặc được cấp thẻ BHYT).
Bình luận về quy định này, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực bảo hiểm nói: “Với hộ gia đình khó khăn có 2 đến 3 thành viên, việc bị ép mua BHYT tự nguyện đã là một gánh nặng không hề nhỏ. Nước ta có tới 70% là nông dân, thu nhập bấp bênh. Trong khi đó, theo quy định, mức đóng BHYT tự nguyện là 621.000 đồng/năm. Với số tiền này, gia đình có 5 con trở lên, chắc chắn rất khó tham gia vì chi phí quá lớn”, vị chuyên gia nói.
Theo vị chuyên gia trên, triển khai BHYT toàn dân là một chủ trương hết sức đúng đắn, nhưng để thực hiện hiệu quả là một bài toán rất khó. Trước khi triển khai, các Bộ, ngành liên quan cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, không thể làm theo kiểu lấy được, nhận về mình phần dễ, còn đẩy phần khó cho dân.
“Đây là loại hình lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm. Tuy nhiên, từ trước đến nay, đa số người dân đều lựa chọn ngược là đến khi có bệnh nặng mới mua thẻ BHYT”.
Ông Phạm Lương Sơn
Ngày 4/2, trao đổi với PVTiền Phong, một Vụ trưởng (xin giấu tên) cho biết, luật quy định mua BHYT cho các thành viên trong gia đình là đúng. “Luật phải quy định như vậy. Anh đang khỏe nhưng không biết bao giờ bị ốm. Anh phải chia sẻ rủi ro với người khác. BHYT phải là nhiều người chia sẻ rủi ro cho một số người hưởng”, vị này nói. Theo vị này, nếu chỉ quy định ai ốm mới tham gia BHYT, sẽ không có một quỹ nào chịu nổi.Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, để cộng đồng có trách nhiệm với người bệnh khi ốm đau, chính những người thân trong gia đình phải có trách nhiệm tham gia BHYT.
“Đây là loại hình lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm. Tuy nhiên, từ trước đến nay, đa số người dân đều lựa chọn ngược là đến khi có bệnh nặng mới mua thẻ BHYT. Nếu ai cũng suy nghĩ như vậy, Quỹ BHYT lấy gì để chi?”, ông Sơn nói.
Trước những thắc mắc về điều kiện mua thẻ BHYT hộ gia đình, ông Sơn cho biết, chủ hộ có trách nhiệm kê khai đúng những thành viên chưa có thẻ BHYT, chứ không nhất thiết phải chứng minh các thành viên khác đã có thẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì bắt cả hộ gia đình phải mua BHYT tự nguyện hãy tuyên truyền thuyết phục, tạo cơ chế chính sách để người dân cảm nhận được lợi ích to lớn khi tham gia BHYT tự nguyện. Thay vì cắt thanh toán BHYT đối với những trường hợp khám, chữa bệnh không đúng tuyến ngoại trú, ngành Y tế hãy nâng cao chất lượng dịch vụ tại tất cả cơ sở y tế.
“Các Bộ, ngành liên quan không nên “ham bát bỏ mâm”. Trong câu chuyện này, phải triển khai chậm mà chắc. Làm sao để nâng cao quyền con người, quyền công dân. Thậm chí, nếu Luật BHYT vừa có hiệu lực nhưng có quy định gây khó cho dân, tới đây các Bộ, ngành cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi”, một chuyên gia nói.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tienphong.vn)