VOV.VN -Tình trạng ngộ độc, nhiễm độc ở các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi.
“Nơi sản xuất hóa chất độc hại, nguy hiểm phải cách xa khu dân cư, trường học, bệnh viện”. Đó là những ý kiến đóng góp tại hội thảo góp ý dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 29/10 tại TP HCM.
Theo báo cáo của Cục An toàn Lao động tại hội thảo, trong tổng số 29 bệnh nghề nghiệp được Chính phủ công nhận, có 12 bệnh do hóa chất gây ra, chiếm tỷ lệ 42%. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 1.500 người mắc bệnh nghề nghiệp, chủ yếu là bệnh bụi phổi. Ngoài ra, tình trạng ngộ độc, nhiễm độc ở các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi. Hiện vẫn còn tình trạng sử dụng hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng, hóa chất không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, vượt quá hàm lượng cho phép.
Vì vậy, góp ý cho dự thảo dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm, một số đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định khi giao nhận hóa chất phải ghi rõ loại hóa chất, mức độ nguy hiểm và đóng gói đúng theo tiêu chuẩn an toàn về vận chuyển. Đối với sản xuất và sử dụng hóa chất độc, phải quy định khu vực riêng để rửa dụng cụ, gom nước thải vào khu vực chứa riêng để xử lý, không được thải trực tiếp ra môi trường khi chưa được xử lý. Việc vận chuyển phải theo quy định an toàn trong xếp dỡ, vận chuyển hóa chất nguy hiểm; nhân viên cũng phải học quy cách đóng gói, cách xử lý trong trường hợp vận chuyển gặp sự cố./.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vov)