Chiều 10/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về việc chỉnh lý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng vào nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc nhằm mở rộng diện an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về việc bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia BHXH bắt buộc.
Ảnh minh họa
Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc (Điều 90), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành với phương án áp dụng từ ngày 1/1/2018. Về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng (Điều 56), UBTVQH tán thành với phương án điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Về điều kiện độ tuổi nghỉ hưu, đa số ý kiến cho rằng nếu thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH (theo Điều 90 Bộ luật Lao động) để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó.
Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách này. Đồng thời, cần có lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu. Cụ thể như sau: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo thoibaonganhang.vn)