Để đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) 50% số người lao động vào năm 2020 quả là thách thức khi cả nước mới có hơn 20% dân số có BHXH, mà chủ yếu là BHXH bắt buộc. “Tồn tại này là do việc hoạch định chính sách về BHXH chưa phù hợp, người lao động khó tiếp cận với BHXH hay do mô hình hoạt động BHXH hiện nay chưa phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường?
Vấn đề này là câu hỏi cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách về BHXH, tìm ra nguyên nhân và giải pháp thích hợp để hệ thống BHXH phát triển ổn định và bền vững” – Th.S Đoàn Thị Thu Hương (giảng viên Học viện Tài chính) nhấn mạnh tại hội thảo “Hướng tới một hệ thống BHXH dễ tiếp cận, minh bạch và bền vững” do Red Comunication và Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada tổ chức, với sự tham gia của đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Học viện Tài chính cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.
Nhiều người lao động tự do không biết có BHXH tự nguyện để tham gia |
Mong muốn tìm nguyên nhân khiến đa số người dân kém mặn mà với BHXH, để tìm được giải pháp tối ưu cho việc phát triển BHXH đạt mục tiêu mà Nhà nước đã đề ra, các chuyên gia đã có các nghiên cứu sâu về chính sách BHXH, từ đó chỉ ra nguyên nhân là do những chính sách, quy định pháp luật chưa phù hợp, cơ chế quản lý, thực hiện BHXH còn nhiều thiếu sót.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, hiện trạng thiếu công bằng trong hưởng thụ giữa người tham gia BHXH bắt buộc với người tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi mức đóng của BHXH tự nguyện là 22%, cao hơn 14% so với BHXH bắt buộc nhưng người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, còn BHXH bắt buộc lại được hưởng 5 chế độ ngắn hạn, rất cần thiết là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.
Vì thế, PGS.TS Lê Thị Hoài Thu (Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển) cho rằng, sự bất hợp lý này đã trở thành rào cản để người dân không muốn tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối với lao động nữ. Luật BHXH sửa đổi, bổ sung đã quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng cho đến nay các văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được ban hành. Việc hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện chưa được hướng dẫn cụ thể về đối tượng, mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ.
Nhu cầu cần thiết của BHXH với người cao tuổi ở Việt Nam được TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết qua tình trạng sức khỏe: 70% người cao tuổi có ít nhất 2 bệnh. Trung bình mỗi người cao tuổi có 2,7 bệnh; 13,7% người cao tuổi gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và có nhu cầu hỗ trợ trong sinh hoạt. Nhưng chỉ dưới 50% người cao tuổi có BHYT, mà các chính sách BHYT chưa đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi như không bao phủ khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc dài hạn; ít chương trình chăm sóc sức khỏe đặc thù cho người cao tuổi. Vì thế, đòi hỏi phải có các chính sách tích cực ngay lập tức, nhất là BHYT hiệu quả.
Vấn đề tồn tại lâu nay là công tác truyền thông về BHXH tự nguyện thiếu các hình thức phù hợp với đối tượng tham gia, nên người dân chưa nhận thức đúng về vai trò, lợi ích của BHXH tự nguyện, đặc biệt là trong phòng ngừa rủi ro và khi tuổi già: Chỉ 25,2% số người được khảo sát cho là cần thiết tham gia BHXH tự nguyện, còn tới 74,8% cho là không cần thiết. Cũng có rất nhiều người lao động luôn phải lo lắng cho tuổi già nhưng lại không biết có BHXH tự nguyện để tham gia. Một nghiên cứu của LIGHT cho thấy, 91% người bán hàng rong chưa từng biết đến các quy định của Bộ luật Lao động và 91,45% chưa biết đến BHXH. Thâm chí, anh Nguyễn Tự Quyết, thanh niên học ở Nga về, đã làm thuê 7 năm ở chợ Long Biên, Hà Nội nhưng cũng không biết có BHXH tự nguyện để tham gia, dù rằng anh cho biết, công việc của anh rất nặng nhọc, nên mối lo khi về già không còn sức khỏe lao động thì sẽ không có nguồn sống.
Các chuyên gia của Học viện Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ngân hàng Thế giới v.v… cùng bàn bạc và trao đổi thẳng thắn, với mong muốn chỉ ra những lỗ hổng trong chính sách BHXH, để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục. Vấn đề được các ý kiến tập trung phân tích nhất hiện nay là tính minh bạch thông tin về đầu tư quỹ BHXH, vì thực tế, đó chính là tiền của người dân đóng cho mình khi về già sử dụng, còn BHXH chỉ là người giữ hộ. Do vậy, việc sử dụng số tiền BHXH phải đảm bảo an toàn, để đảm bảo quyền lợi của người dân. Do đó, người dân có quyền được biết quỹ dùng vào việc gì, hiệu quả ra sao, tránh việc sử dụng quỹ không đúng mục đích hoặc thất thoát mà người dân không biết. Ở các nước, tất cả các loại quỹ đầu tư đều phải công khai đã được đầu tư vào đâu, sinh lãi thế nào, nên BHXH Việt Nam cũng cần làm thế với nguồn quỹ BHXH, để người dân giám sát. Hằng năm, BHXH nên công bố lãi suất từ nguồn quỹ BHXH. Người dân chỉ có thể tin tưởng tham gia BHXH khi các thông tin về nguồn quỹ được minh bạch, chắc chắn rằng, tiền người dân gửi đảm bảo an toàn.
Phân tích thêm về việc 90 ngàn công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) đình công đòi được hưởng BHXH một lần, chuyên gia Bùi Trinh cho là bởi thiếu minh mạch trong BHXH. Còn thực tế, Điều 60 Luật BHXH 2014 quy định người tham gia BHXH phải đợi đến tuổi nghỉ hưu mới được nhận, là điều luật nhân đạo, rất cần thiết cho người dân. Sự thiếu minh bạch khiến người đóng tiền không biết tiền của mình được đầu tư thế nào, nên không có niềm tin vào hệ thống BHXH khi không chắc chắn sau vài chục năm nữa có được trả không, nhất là trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng thường xuyên tăng, tốc độ lạm phát khó lường.
Nếu như BHXH Việt Nam thông tin minh bạch về “đường đi” của số tiền BHXH mà họ đóng, để họ biết rõ số tiền đó sẽ là nguồn tài chính giúp họ yên tâm khi về già, chắc hẳn họ sẽ không phản ứng như đã có. Về lâu dài, Điều 60 là cần thiết, phù hợp với cách nhìn của các chuyên gia, xong nhưng lại chưa phù hợp vói hoàn cảnh thực tế của người dân. Điều này thêm một lần chỉ ra, những người làm chính sách phải tìm hiểu xem người dân cần gì, đồng thời, phải có nhiều phương án cho người dân lựa chọn.
Các ý kiến đều thống nhất vấn đề mấu chốt là cần có chính sách đảm bảo chia sẻ rủi ro về gánh nặng xã hội cho người dân. PGS.TS Lê Thị Hoài Thu kiến nghị Nhà nước cần có lộ trình hỗ trợ người lao động trong quá trình đóng BHXH tự nguyện, để tăng số người tham gia trên cả nước. Mở rộng chế độ trong BHXH tự nguyện để người lao động tham gia BHXH tự nguyện được bình đẳng về quyền lợi như lao động tham gia BHXH bắt buộc. Trước mắt có thể bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện thu hút lao động nữ tham gia loại hình BHXH này. Tăng cường vai trò truyền thông của các tổ chức đoàn thể với các phương thức phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, làm việc của người lao động.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước nên cho các thành phần kinh tế khác tham gia làm BHXH. Vấn đề tạo thuận lợi khi tham gia BHXH cũng là cách để thu hút nhiều người tham gia. Vì thế, bà Nguyễn Nguyệt Nga, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh: Phải nâng cao văn hóa phục vụ khách hàng trong BHXH Việt Nam. Với các chính sách hiện tại, hệ thống hưu trí ở Việt Nam là không bền vững, cần phải cải cách ngay từ bây giờ. Xây dựng chế độ bảo hiểm tự nguyện cần đơn giản cả hai khâu đóng góp và chi trả. Việc mở rộng bảo hiểm với các hợp đồng dưới 3 tháng sẽ giúp giảm sự lạm dụng hay trốn đóng của các doanh nghiệp.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo petrotimes.vn)