Lương hưu, kẻ thấp người cao

Cả nước có 3.228 cá nhân phải nhận mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng nhưng cũng có người nhận lương hưu trong 100 triệu đồng/tháng.

Lương hưu thấp hơn lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về trường hợp cô giáo mầm non Hà Tĩnh hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng. Về trường hợp này, BHXH Việt Nam đã có giải thích lý do vì sao lương hưu cố giáo mầm non thấp. Theo đó, mức lương hưu thấp là do thời gian đóng ngắn (chỉ 20 năm 8 tháng) và mức đóng thấp.

Trong 17 năm, mức tiền lương đóng BHXH của cô giáo này luôn ở mức thấp nhất bằng mức lương tối thiểu từng thời kỳ, không thuộc thang bảng lương do Nhà nước quy định.

Chỉ có 4 năm, cô giáo Lan đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy  định sau khi được tuyển dụng biên chế trong đó có 8 tháng cuối cùng mức lương hệ số 3,46.

Theo quy định, tỷ lệ lương hưu của cô giáo Hiền là 69% tương ứng với 1.262.158 đồng/tháng. Do mức lương hưu này chưa bằng mức lương cơ sở nên Nhà nước phải bù thêm 37.000 đồng/tháng.

Đáng chú ý, bà Đinh Thị Thu Hiền – Phó trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, mức lương hưu của cô Trương Thị Lan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chưa phải là thấp nhất. Theo số liệu mới nhất, hiện có 3.228 đối tượng sẽ phải nhận mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng.

Trong đó, 2 nhóm đối tượng có mức lương thấp nhất là cán bộ xã không chuyên trách và đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, cán bộ xã không chuyên trách, mức đóng BHXH của họ chỉ trên nền lương cơ sở và nếu thời gian đóng BHXH chỉ tối thiểu khoảng 20 năm thì trong năm nay họ chỉ hưởng mức lương khoảng 55%. Sang năm sau, tỷ lệ lương hưu của họ dao động trong khoảng 55-60%.

Với những người tham gia BHXH tự nguyện, mức lương đóng thấp nhất của họ cũng trên nền lương cơ sở. Theo Luật năm 2014, từ ngày 1/1/2016, mức lương của những người tham gia BHXH tự nguyện này có mức thấp nhất bằng chuẩn nghèo của khu vực nông thôn (tức là trên nền của 700 nghìn đồng) chắc chắn lương hưu của họ trong khoảng 55 – 60%, kể cả 75% vẫn không thể đạt mức lương tối thiểu.

Những người này sẽ có mức lương thấp, dưới 1,3 triệu đồng/tháng.

Lương hưu cao nhất trên 100 triệu đồng/tháng

Hiện nay, có 1 trường hợp hưởng lương hưu cao nhất trên 100 triệu đồng/tháng. Thông tin về trường hợp này, bà Đinh Thị Thu HIền cho biết, đây là một người ở TP Hồ Chí Minh, đã tham gia đóng BHXH từ năm 1992 đến năm 2015 với tổng thời gian đóng BHXH là 23 năm 3 tháng (279 tháng); tỷ lệ hưởng lương hưu là 62%.

Sở dĩ người đàn ông này được hưởng lương hưu cao do mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định và luôn đóng BHXH hàng tháng ở mức lương rất cao. Người này có 18 năm làm Tổng Giám đốc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam.

Trong giai đoạn trước ngày 1/1/2007, thời điểm Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực thi hành, do pháp luật quy định không khống chế trần tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, cho nên người lao động này đã được doanh nghiệp đóng BHXH trên nền tiền lương hàng tháng rất cao. Trong đó có giai đoạn tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH cao nhất lên tới 249 triệu đồng.

Từ sau ngày 1/1/2017, do Luật BHXH có quy định khống chế mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở), người lao động này đóng BHXH trên nền tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH dao động thấp nhất là 9 triệu đồng và cao nhất là 23 triệu đồng.

Theo quy định, khi người này nghỉ hưu, tiền lương đóng BHXH bình quân cho 279 tháng là 140.837.530 đồng. Lương hưu được hưởng (62%) là hơn 87 triệu đồng/tháng.

Qua 2 lần được Nhà nước quy định điều chỉnh lương hưu (năm 2016 tăng 8%, năm 2017 tăng 7,44%)đến nay, mức hưởng lương hưu của trường hợp này là  101.321.000 đồng/tháng.

Theo bà Đinh Thu Hiền, sở dĩ có trường hợp lương hưu rất cao và lương hưu quá thấp là do tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH cao thấp khác nhau trong nhiều năm, đúng theo nguyên tắc Đóng nhiều – Hưởng nhiều.

theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.