Lương của Bảo hiểm xã hội gấp 1,8 lần so với chế độ tiền lương cán bộ công chức nhưng nhiều người vẫn bỏ việc vì chế thu nhập thấp. Điều này thật khó hiểu.
Lương đặc thù, cao gần gấp đôi
Nhân góp ý về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã phản đối mạnh mẽ mức lương hiện nay của ngành này, cho rằng là quá cao, không xứng đáng.
Theo Quyết định của Thủ tướng ngày 7/9/2012, cơ chế thí điểm tiền lương cho cán bộ viên chức ngành bảo hiểm xã hội đã được phê duyệt, triển khai đến năm 2015. Theo đó, cán bộ nhân viên ngành này được hưởng mức chi tiền lương gấp 1,8 lần so với chế độ tiền lương cán bộ công chức, viên chức hiện nay. Nguồn chi lấy từ lợi nhuận đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần phải khống chế ngay việc chi tiền lương của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vì cơ quan này làm việc chưa hiệu quả. Chẳng hạn như số nợ bảo hiểm xã hội vẫn đang tăng lên, hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hộị chỉ đạt lợi nhuận thấp, thậm chí, nếu so với lạm phát thì coi như thâm vào vốn, theo lời đại biểu Nguyễn Trung Thu.
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đánh giá rằng, bảo hiểm xã hội không phải mất nhiều công sức đầu tư, hoạt động không có gì đặc thù nên mức lương gấp 1,8 lần so với lương công chức là phi lý. Thậm chí, đại biểu Đặng Thị Kim Chi còn chỉ trích cơ quan này đang làm chơi, ăn thật.
Việc nhiều, lương thấp?
Trao đổi hôm hôm 12/9, ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói rằng, mức lương hiện nay trong ngành không cao như nhiều người tưởng.
“Kể cả khi đã được tăng gấp 1,8 lần lương công chức thì bình quân thu nhập của cán bộ chúng tôi cũng chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/tháng thôi”, ông cho hay.
Ông Sinh cho biết, hiện nay với 63 triệu người tham gia bảo hiểm thì mỗi 1 cán bộ ngành này phải phục vụ 3.380 người, đảm bảo doanh số mỗi năm thu chi là 20,551 tỷ. Con số này gấp đôi ở ngành thuế.
“Một cán bộ thuế chỉ phải tập trung lo phần thu đúng, thu đủ, nhưng một cán bộ nhân viên bảo hiểm xã hội, sẽ phải lo cả phần chi trả bảo hiểm, với việc trả lương hưu ở nhiều địa phương thì còn phải đến tận nơi, vì đối tượng là người già”, một chuyên viên của cơ quan này phân tích.
Khối lượng công việc ngày càng gia tăng, kể từ khi 2 Luật Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống. Nếu giữ mức lương thấp như trước kia thì sẽ không khuyến khích được các cán bộ viên chức trong ngành đảm bảo nhiệm vụ thu, chi.
Nhất là khi ngành này đang chịu sức ép phải với số nợ lên tới 11.500 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội, trong khi, không có thẩm quyền thanh tra, không có công cụ pháp lý để đòi nợ hiệu quả.
Ông Sinh cho biết, trước khi Thủ tướng chấp thuận cơ chế thí điểm này thì việc xin tăng lương như trên đều đã nhận được sự đồng thuận của cả Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Tài chính và các Uỷ ban chuyên trách của Quốc hội.
Theo báo cáo trước đó của hai Bộ trên, mức tăng chi tiền lương trên ở mức trung bình so với chế độ tiền lương, thu nhập ở các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.
Tại thời điểm năm 2011, cơ chế tiền lương cho cán bộ ngành bảo hiểm xã hội được cho là lạc hậu so với yêu cầu thực tế. Ví dụ như từ năm 2008, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải bổ sung thêm nhiệm vụ thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, yêu cầu giám định chi phí khám chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám bệnh từ cấp trạm y tế, xã, phường. Tại các thành phố lớn, tỉnh đông đối tượng thì các cán bộ ngành này thường xuyên phải làm đêm, thêm giờ, áp lực công việc lớn.
Trong khi đó, bình quân tiền lương ngành này thấp, ít có cơ hội được tăng thu nhập. Ví dụ, năm 2010, tiền lương bình quân của cán bộ ngành bảo hiểm xã hội là 2,2 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân là 3,9 triệu đồng/tháng. Năm 2011, tiền lương tăng lên là 2,7 triệu đồng/tháng và thu nhập là 4,8 triệu đồng/tháng.
Cán bộ ngành này được tăng thu nhập từ nguồn tiết kiệm chi phí quản lý, nhưng nguồn kinh phí giao cho Bảo hiểm xã hội rất hạn hẹp. Tính trung bình, nếu phấn đấu tiết kiệm hàng năm thì bình quân thu nhập cán bộ ngành này cũng chỉ được tăng 0,7 lần, cá biệt đối đa tăng 0,8 lần quỹ lương nhưng cũng không ổn định.
Vì lương thấp nên trong khoảng giai đoạn 2007 đến 2011, đã có 1.353 người xin ra khỏi ngành.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ndh.vn)