Ông Lê Đình Quảng – Phó ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN), Trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành gồm đại diện Tổng LĐLĐVN, Bộ LĐTBXH và BHXH VN – cho biết như trên tại buổi kết luận việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật Công đoàn tại tỉnh Long An chiều 22.9.
Sự phối hợp trên đây ảnh hưởng tích cực đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về LĐ, CĐ và BHXH. Cụ thể, sau thời gian thực hiện chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng QHLĐ hài hoà, ổn định và tiến bộ trong DN, việc chấp hành theo quy định của pháp luật trong các DN có những chuyển biến rõ nét theo chiều hướng tích cực. Các DN có thực hiện việc ký kết HĐLĐ, tham gia BHXH, BHYT và BHTN cho NLĐ theo quy định, thực hiện các chế độ chính sách về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, cải thiện môi trường làm việc và các chế độ chính sách khác cho NLĐ.
Đồng thời, phối hợp cùng với CĐCS xây dựng thang bảng lương, TƯLĐTT và các chế độ phúc lợi khác, góp phần chăm lo đời sống cho NLĐ. Các DN có nhiều chính sách về tiền lương như phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, tiền cơm trưa, tiền chuyên cần, tiền kỹ thuật, nhà trọ, tiền xăng… để nâng cao thu nhập, giúp NLĐ an tâm làm việc.
Nhiều vấn đề cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện pháp luật LĐ, CĐ và BHXH ở một số DN cũng còn bộc lộ hạn chế. Toàn tỉnh hiện có gần 260.000 LĐ đang làm việc trong 6.351 DN, nhưng chỉ có hơn 160.000 người ở đây được tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, còn khoảng 95.000 LĐ chưa được tham gia BHXH. Rất nhiều DN trong tỉnh hiện trốn đóng gần 170 tỉ đồng BHXH, gây thiệt hại cho hàng chục nghìn NLĐ.
Tình trạng nội quy lao động, TƯLĐTT của nhiều DN vẫn chủ yếu sao chép luật. Thậm chí, ở một số nơi, dù nội quy LĐ đã được cơ quan quản lý về LĐ thẩm định nhưng vẫn còn trái luật. Đơn cử như nội quy LĐ của Cty CP cơ khí công nghệ cao Đại Dũng II quy định xử lý kỷ luật LĐ khi “có lối sống đạo đức, văn hóa không lành mạnh”, dù đây là lĩnh vực ngoài QHLĐ. Hay như nội quy LĐ của Cty CP xây lắp – cơ khí và lương thực thực phẩm (MECOFOOD) vẫn còn quy định xử lý kỷ luật LĐ với hình thức “chuyển công việc khác có mức lương thấp hơn” dù hình thức này đã được bãi bỏ trong Bộ luật LĐ. Thậm chí Cty này còn quy định kỷ luật NLĐ nếu “làm thêm đối với những Cty khác có cùng ngành nghề”, dù pháp luật không cấm.
Tương tự, TƯLĐTT của một số DN cũng còn có những điều không phù hợp. Ví dụ, TƯLĐTT tại Cty CP mía đường Hiệp Hòa có quy định “tiền lương của NLĐ không đi làm do Cty không bố trí được việc làm thì nghỉ chờ việc và hưởng lương bằng lương tối thiểu vùng”. Hay TƯLĐTT của MECOFOOD quy định: “Cty được chậm trả lương 1 tháng nhưng không trả thêm cho NLĐ một khoản ít nhất bằng lãi suất tiền gửi do NHNN công bố tại thời điểm trả lương”. Đáng quan ngại nhất, trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh Long An để xảy ra 150 vụ tai nạn LĐ làm 26 người chết, đây là con số khá cao so với bình quân chung cả nước trong mấy năm gần đây.
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, những quy định như trên cho thấy, hiểu biết về pháp luật LĐ, CĐ ở một số DN còn hạn chế, trong đó có cả cán bộ CĐCS. Do đó, cần tăng cường nỗ lực để nâng cao kiến thức về pháp luật cho DN. Các địa phương cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật LĐ để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm đối với các DN vi phạm.
Đồng thời tăng cường việc theo dõi, giám sát các biện pháp bảo đảm an toàn LĐ để giảm thiểu tai nạn LĐ, nhất là tai nạn gây chết người cũng như tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý LĐ để đáp ứng xu hướng số lượng DN và NLĐ đang tăng nhanh…