Lỗ chứng khoán, môi giới bảo hiểm giảm lãi tới 72%

Theo báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2013, trong khi số lượng DN môi giới bảo hiểm kinh doanh có lãi nhiều hơn năm trước (9/11 DN có lãi, không tính 1 DN môi giới đang hoàn tất thủ tục giải thể) thì tổng lãi của khối này lại giảm tới gần 80% so với năm 2012.

9 DN chia nhau tổng lãi 19,2 tỷ đồng

9/11 DN có lãi trước thuế đó là Á Đông, Aon, Cimeico, Gras Savoye, Marsh, Nam Á, Sao Việt, Tokyo Tsusho và Việt Quốc, trong khi năm 2012 chỉ có 6/11 DN có lãi. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận trước thuế chỉ là 19,2 tỷ đồng, giảm tới 72,3% so với năm 2012.

Số liệu từ Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm cho biết, tổng doanh thu của các DN môi giới bảo hiểm năm 2013 tăng 9,6% so với năm 2012, đạt 466,5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ hoa hồng môi giới bảo hiểm là 451,1 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính là 8,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp có doanh thu cao nhất là Aon (156,1 tỷ đồng, chiếm 33,6% toàn thị trường), thứ hai là Marsh (109,2 tỷ đồng), thứ ba là Gras Savoye (111,2 tỷ đồng, chiếm 23,4%), thấp nhất là Toyota Tsusho (3,9 tỷ đồng, chiếm 0,8%). Vị trí thị phần này không thay đổi nhiều so với năm 2012 ngoại trừ vị trí đứng cuối bảng vào năm ngoái là Việt Quốc (0,4%). DN nước ngoài vẫn áp đảo, chiếm 85,6% doanh thu toàn thị trường, đạt 397,5 tỷ đồng; phần khiêm tốn còn lại (67 tỷ đồng, chiếm 14,4%) thuộc về khối DN nội.

Theo đánh giá của Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm, số lượng doanh nghiệp kinh doanh có lãi trước thuế  nhiều hơn năm ngoái là do năm qua khối này đã nỗ lực trong việc phát triển kinh doanh, nâng cao uy tín với thị trường và khách hàng. Một số DN đã kiếm soát tốt hơn trong quá trình hoạt động kinh doanh, dẫn đến hiệu quả kinh doanh cao hơn năm trước như Á Đông, Toyota Tsusho, Việt Quốc.

Giảm 72% lãi do thua lỗ chứng khoán

Tăng uy tín với khách hàng, tăng doanh thu, tại sao lợi nhuận của khối DN này giảm mạnh? Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm cho rằng, lợi nhuận giảm tới gần 80% là do hầu hết các DN có mức tăng chi phí lớn hơn nhiều so với mức tăng của doanh thu; một số DN có chi phí quản lý tăng cao (chủ yếu là chi phí mở rộng mạng lưới), dẫn tới lợi nhuận thuần từ hoạt động môi giới bảo hiểm giảm 50,7% so với năm 2012 (mặc dù số lượng DN có lãi nhiều hơn năm 2012). Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư dài hạn của nhiều DN không tốt, thậm chí, có DN thua lỗ lớn từ đầu tư chứng khoán, dẫn tới lợi nhuận sụt giảm mạnh so với năm trước.

Chia sẻ với ĐTCK, đại diện một DN môi giới bảo hiểm cho biết, lỗ do chứng khoán một phần do tình hình chung của thị trường và không chỉ tại khối các DN môi giới bảo hiểm, lỗ do đầu tư nói chung, chứng khoán nói riêng cũng từng xảy đến với khối bảo hiểm phi nhân thọ (điển hình là tại Bảo hiểm Viễn Đông, Bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội khi còn tên cũ là SVIC…, buộc các DN này phải tái cấu trúc trên diện rộng- PV). Còn hoạt động đầu tư dài hạn chưa mang lại hiệu quả tốt, nhưng không quá đáng ngại, vì số tiền đầu tư không quá lớn. Tính đến hết năm 2013, có 3 DN có số dư về chỉ tiêu đầu tư dài hạn với tổng giá trị đầu tư dài hạn là 32,1 tỷ đồng

Trước khoản lãi giảm mạnh từ khối môi giới bảo hiểm, Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm đưa ra giải pháp tiếp tục thực hiện đánh giá tình hình hoạt động của khối này hàng quý, hàng năm, nhằm đảm bảo năng lực tài chính và hoạt động kinh doanh của các DN. Cùng với đó là xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của khối này, tạp điều kiện thuận lợi để các DN nâng cao năng lực và mở rộng hoạt động kinh doanh.

“Về phía DN môi giới cũng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh doanh, chuyên nghiệp hóa hoạt động nghiệp vụ môi giới bảo hiểm và đầu tư hiệu quả. Các DN cần xem xét thận trọng khi quyết định đầu tư, nhất là chứng khoán. Ngoài ra, cũng cần nâng cao năng lực quản lý, nhất là quản lý tài chính để kiểm soát tốt doanh thu, chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh”, đại diện Cục này bổ sung.

Kim Lan
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.