(eFinance Online) – Việc liên thông phần mềm giữa các cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) được coi là một giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế tại nước ta hiện nay.
Sáng nay (15/1), Hội nghị ứng dụng CNTT trong ngành y tế đã diễn ra tại Hà Nội với hai chủ đề chính là ứng dụng CNTT trong khám bệnh từ xa và dịch vụ công trực tuyến. Hội nghị nhằm thảo luận, đưa ra định hướng để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT-TT trong lĩnh vực y tế, thực hiện theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 64/2007/NĐ-CP và Quyết định số 1605/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị cũng là một bước đặt nền móng cho việc ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả, chất lượng của các hoạt động y tế, đậc biệt là tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong giai đoạn tới.
Ngành Y tế đã triển khai ứng dụng CNTT từ rất sớm và đã thu hái được một số kết quả đáng kể như xây dựng và ban hành phần mềm báo cáo thống kê bệnh viện dùng chung Medisoft 2003, phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm, hệ thống các phần mềm sử dụng cho công tác phòng chống HIV/AIDS, xây dựng hệ thống quản lý dân số và biến động dân cư…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nhu cầu của người dân và các tổ chức xã hội đối với các dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế đang là một áp lực lớn buộc ngành y tế phải ứng dụng CNTT mới có thể đảm bảo việc cung cấp thông tin đến người dân trong khám chữa bệnh tại các bệnh viện, khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, cung cấp dịch vụ đăng ký hành nghề và kinh doanh thuốc… Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng chính phủ điện tử tại Bộ Y tế.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 22 năm qua, ngành y tế đã triển khai ứng dụng CNTT tới nhiều hoạt động y tế từ trung ương đến địa phương. Các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, huyện đều đã triển khai ứng dụng phần mềm tin ọc trong quản lý bệnh viện với một số phân hệ cơ bản theo Quyết định số 5573/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành tiêu chí phần mềm và nội dung mộ số phân hẹ phần mềm tin học quản lý bệnh viện. Tuy nhiên, để quản lý được theo mẫu bệnh án điện tử của Bộ thì các hệ thống thông tin quản lý bệnh viện vẫn chưa đáp ứng.
Thống kê năm 2014 cho thấy, tỷ lệ cao nhất về ứng dụng phần mềm tin học bệnh viện ở trung ương chiếm 100%, tuy nhiên ở tuyến tỉnh và huyện thì tỷ lệ lần lượt là 68% và 61%. Khả năng kết nối liên thông các hệ thống thông tin bệnh viện giữa các bệnh viện ở Việt Nam hiện hầu như chưa có. Bộ Y tế đang triển khai thí điểm dự án Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống bệnh viện trong đó có nâng cấp phần mềm tin học quản lý bệnh viện của 6 bệnh viện trở thành bệnh án điện tử và thực hiện chuyển hồ sơ bệnh án giữa các bệnh viện với nhau thông qua hệ thống phần mềm HL7 Core Gateway đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Y tế. Những bệnh viện tham gia gồm: Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhi Thanh Hóa, Phụ sản Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương, Đa khoa Hà Tĩnh và Đa khoa Trung ương Huế.
Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện đang gặp một số khó khăn do các bệnh viện vẫn chưa áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về CNTT y tế một cách đồng bộ. Danh mục dùng chung phục vụ cho ứng dụng CNTT chưa được xây dựng, chưa có mã bệnh nhân duy nhất, mã các tiêu chuẩn chưa được xây dựng và thống nhất dùng trong cả nước.
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết năm 2013, cả nước có 61,67 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ gần 69% dân số. Số người tham gia bảo hiểu y tế tăng khoảng 15 triệu người so với thời điểm trước khi Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực. Nếu thống nhất được mã bệnh nhân, việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh và thanh toán giám định bảo hiểm y tế sẽ rất dễ dàng và không cần phải có giám định viên trực tiếp làm việc tại bệnh viện.
Việc liên thông phần mềm giữa các cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH là một giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế trong Đề án lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/3/2013. Nghị quyết 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội cũng xác định “Trước năm 2018, hoàn thành việc liên thông hệ thống phần mềm CNTT giữa các cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh nhằm cải tiến thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, nâng cao hiệu quả công tác giám định bảo hiểm y tế, quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế”.
Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến năm 2020, ưu tiên các dịch vụ trong lĩnh vực cấp phép, dịch vụ có tần suất sử dụng cao, có ảnh hưởng rộng. Bộ Y tế cũng sẽ huy động đa dạng các nguồn lực, các nhà tài trợ, nghiên cứu cơ chế cho thuê dịch vụ CNTT… để đẩy mạnh tiến trình xây dựng các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo taichinhdientu.vn)