(TBTCO) – Dự báo lạm phát sẽ ổn định từ nay đến cuối năm và nếu không có những biến động lớn thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ xấp xỉ 5%. Trong điều kiện đó, lãi suất có thể tiếp tục giảm thêm để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Đây là đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) tại Báo cáo về tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm vừa công bố.
Nhiều tín hiệu tích cực về kinh tế
Báo cáo cho thấy, một số tín hiệu tích cực về kinh tế khi tăng trưởng kinh tế liên tục tăng từ quý 3/2013. Dự báo tăng trưởng sẽ tiếp tục đà phục hồi trong hai quý cuối năm và cả năm 2014 có khả năng đạt mức 5,7-5,8%.
Thị trường cũng có đánh giá tích cực hơn về triển vọng kinh tế. Chỉ số CCI4 (đo mức độ lạc quan của người tiêu dùng) trong tháng 6 cải thiện đáng kể so với đầu năm. Mặc dù bị sụt giảm trong tháng 5 do ảnh hưởng của sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan nhưng sau đó chỉ số này đã khôi phục trở lại. Thị trường chứng khoán mặc dù có sự suy giảm trong hai tuần đầu tháng 5, nhưng nhìn chung tăng trưởng tốt hơn năm 2013. Chỉ số VN-Index tính đến cuối tháng 7 đã tăng gần 20% so với cuối năm 2013. Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của cộng đồng DN Châu Âu tại Việt Nam đã liên tục cải thiện từ quý 4/2013.
Đồng thời, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc. Theo Bộ Xây dựng, tổng giá trị hàng tồn kho tính đến tháng 6 giảm 23% so với tháng 12/2013. Theo Savills, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch phục hồi rõ nét tại phân khúc căn hộ, hàng tồn kho phân khúc này giảm dù nguồn cung thị trường gia tăng.
Về lạm phát, ngoại trừ tháng có Tết Nguyên Đán, lạm phát luôn thấp hơn 5% trong 7 tháng đầu năm. Lạm phát cơ bản (dựa trên CPI không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công) thậm chí luôn thấp hơn 4% kể từ tháng 4/2014.
Lạm phát dự kiến 5%, lãi suất có cơ hội giảm
Với xu hướng trên, UBGSTCQG dự báo lạm phát sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm và nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ xấp xỉ 5%. Trong điều kiện lạm phát còn dư địa, trong những tháng cuối năm việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cần được xem xét.
Đối với hệ thống ngân hàng, lãi suất giảm đối với cả tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Tính đến tháng 7/2014, lãi suất tiền gửi VND bình quân là 5,53 %/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với tháng 12/2013. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân là 10,08 %/năm, giảm 0,25 điểm phần trăm so với tháng 12/2013. Với lạm phát được dự báo ổn định từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất có điều kiện để tiếp tục điều chỉnh giảm, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Tổng cầu chậm được cải thiện
Bên cạnh những “điểm sáng”, báo cáo cũng nêu ra vấn đề là tổng cầu vẫn chậm được cải thiện, thể hiện ở chỉ tiêu lạm phát cơ bản liên tục giảm từ tháng 10/2013. Tổng cầu chậm cải thiện đối với cả tiêu dùng và đầu tư. Đối với với tiêu dùng, mặc dù tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn tăng cao hơn cùng kì năm 2013 nhưng mức cải thiện không lớn.
Đối với đầu tư, theo ước tính của UBGSTCQG, trong 6 tháng năm 2014, đầu tư tư nhân ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kì 2013. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng đầu năm chỉ tăng 2,3% so cùng kì (cùng kì 2013 tăng 6,4%).
Một trong những nguyên nhân khiến đầu tư tư nhân ở mức thấp là tín dụng tăng thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,52%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2013 là 4,7%; trong đó, cho vay ngoại tệ tăng 12,3% trong khi cho vay nội tệ chỉ tăng 2,17%. Tín dụng tăng thấp là do DN vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm và chi phí vốn còn cao. Số DN giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng 9,8% so cùng kì 2013.
Trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt, những tháng cuối năm, chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014, báo cáo nhận định./.