Tại Cần Thơ, Bộ Y tế, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo bàn các giải pháp phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) …
Tại Cần Thơ, Bộ Y tế, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo bàn các giải pháp phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ thấp. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề văn hóa của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo gồm đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH của 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ thấp BHYT dưới 65% dân số.
Nâng cao số người tham gia BHYT tại các địa phương. Ảnh: TM
Tính đến hết tháng 7/2015, số người tham gia BHYT của cả nước đạt 65,5 triệu người, đạt tỷ lệ 72,36% dân số năm 2015. Đặc biệt, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với nhiều điểm mới, tiến bộ như: bắt buộc tham gia BHYT, thực hiện BHYT theo hộ gia đình, nâng mức hưởng BHYT cho một số nhóm đối tượng như người nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo, mở rộng quyền lợi, mở thông tuyến khám chữa bệnh…
Tuy nhiên, việc mở rộng bao phủ BHYT trên cả nước còn nhiều khó khăn. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, có 31 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt dưới 70% dân số, trong đó có 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp dưới 63,5%, bao gồm: Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Thuận, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Tây Ninh. Tỉnh đạt cao nhất là Bến Tre với 63,41% và thấp nhất là Bạc Liêu tỷ lệ 49,1% dân số tham gia BHYT, TP. Cần Thơ cũng mới chỉ đạt khoảng 59%. Lý giải cho tình trạng dân số tham gia thấp có rất nhiều nguyên nhân và giải pháp được lãnh đạo các địa phương đưa ra bàn bạc. Trong đó, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ dân số tham gia BHYT thấp đó là hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo cao; nhiều thủ tục, cách tham gia theo phương thức hộ gia đình rườm rà; công tác tuyên truyền chưa mang lại hiệu quả cao…
Tại hội thảo, lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố cũng đã nêu lên những tồn tại, vướng mắc trong phát triển đối tượng tham gia BHYT. Tập trung vào nhóm đối tượng hộ gia đình; hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh sinh viên; hộ cận nghèo; xã đảo, huyện đảo; xã có vùng bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn. Mặc dù, so với cả nước, độ bao phủ đạt chưa cao song các địa phương như Tây Ninh, Kiên Giang, TP. Cần Thơ đều thể hiện sự quyết liệt trong chỉ tiêu này. Ông Trần Văn Minh – Giám đốc BHXH TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị đã tham mưu xác định địa bàn ấp, khu vực trọng điểm thành lập đoàn (gồm BHXH, cán bộ khu vực, đại lý thu) đến từng nhà để vận động tuyên truyền, phát tờ rơi; tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với cán bộ chủ chốt, UBND xã, phường để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc liên quan đến BHYT hộ gia đình. Riêng đối tượng cận nghèo cũng đã được ngân sách hỗ trợ 100% tương đương 13.550 người.
Tại hội nghị, ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng thể hiện quyết tâm của địa phương khi khẳng định: “Để hoàn thành 70% dân số bao phủ BHYT trong năm 2015 là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cần Thơ xác định, hộ gia đình là đối tượng cần tập trung khai thác. Giải pháp cụ thể nhất là cán bộ đảng viên, công chức, viên chức thể hiện tính tiên phong, gương mẫu vận động những người trong gia đình phải tham gia 100%, đồng thời kiểm tra, đánh giá, xét thi đua cuối năm đối với đối tượng này. Tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, cần làm rõ mục đích, ý nghĩa, mức đóng, quyền lợi khi tham gia theo hộ gia đình để người dân hiểu và tham gia”.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quan điểm đồng tình khi hội thảo đã tìm ra được những nguyên nhân, giải pháp thiết thực cho các tỉnh thành phố có độ bao phủ BHYT dưới 65% và tình trạng vượt quỹ, bội chi quỹ BHYT tại một số tỉnh, thành phố đã có chuyển biến khi 6 tháng đầu năm đã có kết dư quỹ BHYT. Thời gian còn lại, các địa phương cần tập trung một số nội dung sau: rà soát kế hoạch triển khai thực hiện, kịp thời điều chỉnh, phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị có liên quan; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phải làm rõ mục đích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHYT hộ gia đình để người dân thấy được chính sách tốt mà tham gia; Hỗ trợ UBND cấp xã tập huấn, điều tra lập danh sách hộ gia đình tại địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại BHXH huyện, đại lý thu Bưu điện, đại lý thu UBND xã, phường; mở rộng hệ thống đại lý thu để đáp ứng yêu cầu của người dân tham gia BHYT; đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, cung ứng dịch vụ đến tận trạm y tế xã…
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo suckhoedoisong.vn)