Đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT)…
Đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) 6 tháng đầu năm 2015 diễn ra chiều ngày 1/7 tại Hà Nội.
Số người tham gia BHYT đã tăng nhưng vẫn còn nhiều… nỗi lo hiện hữu
Báo cáo của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày tại hội nghị cho biết, tính đến ngày 31/5/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người so với tháng 5/2014, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số, tương đương với thời điểm cuối năm 2014. “Riêng nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình tăng hơn 400.000 người so với thời điểm cuối năm 2014, tương đương 5,4%, điều này chứng tỏ chính sách pháp luật BHYT đã dần đi vào cuộc sống và được người dân đồng thuận ủng hộ” – Bộ trưởng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng ngành y tế và ngành BHXH nhân dịp Ngày BHYT Việt Nam (1/7) và khai mạc hội nghị.
Kết quả sơ bộ trong 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo theo đúng quy định, những thay đổi cơ bản theo hướng mở rộng, nâng cao quyền lợi và đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng quyền lợi của chính sách BHYT.
Đã có gần 60 triệu lượt bệnh nhân khám chữa bệnh theo chế độ BHYT với tổng số tiền được chi trả từ quỹ BHYT là gần 20 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng đã hoàn thành chương trình thí điểm áp dụng phương pháp giám định tập trung theo tỷ lệ tại 15 địa phương, đơn vị với kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để đạt được tỷ lệ bao phủ BHYT 75% dân số vào cuối năm 2015 là nhiệm vụ đòi hỏi nhiều nỗ lực của các cấp ngành, đặc biệt là hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong triển khai luật khiến cho việc chưa đạt tỷ lệ tham gia BHYT ở một số nhóm đối tượng.
Cũng đề cập tới mục tiêu phấn đấu diện bao phủ BHYT tới 75% dân số đến cuối năm 2015, bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam – cho biết, hầu hết người có thu nhập không ổn định hoặc phụ thuộc về tài chính sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia BHYT nếu không có cơ chế hỗ trợ thích hợp và hiệu quả”.
Khảo sát của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 5/2015, có 31 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt dưới 70% dân số toàn tỉnh, trong đó có đến 15 tỉnh, thành phố mới bao phủ được dưới 60% dân số.
Tính tuân thủ pháp luật trong việc tham gia BHYT chưa cao của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và của một số nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT.
Theo thống kê của BHXH, trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động; một số tỉnh trên 20% học sinh – sinh viên, trong đó chủ yếu là sinh viên từ năm học thứ 2 của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa tham gia BHYT.
Các bộ ngành, địa phương cùng vào cuộc tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện BHYT
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của ngành y tế và ngành BHXH trong việc triển khai thực hiện Luật BHYT thời gian qua. Tuy nhiên Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta không mở rộng BHYT thì không thể nào thực hiện đồng bộ được việc nâng chất lượng khám chữa bệnh; kể cả liên quan đến việc xây dựng bệnh viện và cơ sở vật chất. Do đó, chúng ta phải quyết tâm thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT đạt ít nhất 75% trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, thực hiện cho được mục tiêu đề ra.
Trước hết, Bộ Giáo dục – Đào tạo tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp để nâng tỷ lệ mua BHYT trong học sinh, sinh viên đạt 100%. Cụ thể, tỷ lệ học sinh có thẻ BHYT đã đạt 90%, thì 10% còn lại, các trường cần tìm hiểu hoàn cảnh để vận động gia đình và các cháu. Đối với sinh viên hiện đạt 78%, thì trong 22% chưa mua BHYT cần khảo sát kỹ, nếu sinh viên thuộc hộ nghèo sẽ xem xét hỗ trợ.
Liên quan đến hỗ trợ đối tượng cận nghèo, Phó Thủ tướng đưa ra ý kiến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có hộ cận nghèo nhưng mới có 33/63 địa phương có kế hoạch hỗ trợ cho đối tượng này mua thẻ BHYT, còn các địa phương khác vẫn đứng ngoài cuộc. “Tôi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố còn lại phải vào cuộc. Đây là chủ trương lớn. Chúng ta có hệ thống BHYT mạnh gắn với nâng chất lượng khám chữa bệnh lên thì mới thay đổi được chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân”.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo suckhoedoisong.vn)