Theo ĐBQH Đỗ Văn Sinh, lương hưu là khoản thu nhập hợp pháp của công dân Việt Nam sau khi họ đã có thời gian cống hiến và đóng đầy đủ vào quỹ BHXH do Nhà nước quản lý.
Tại Điều 32, Hiến pháp nước ta quy định “mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp…”. Như vậy, lương hưu thuộc quyền sở hữu của công dân Việt Nam đã được hiến định.
Và theo quy định hiện hành trong Luật BHXH năm 2014 thì kể từ ngày 01/01/2016 trở đi những người đang hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam thì tiếp tục được hưởng lương hưu trong quá trình thực hiện án tù.
Đối với những người lao động trong quá trình bị tù giam nếu đến tuổi về hưu thì được ủy quyền cho người thân thực hiện các chế độ để được hưởng lương hưu. Điều đó đã thể hiện sự tiến bộ, sự nhân văn và hợp hiến, đảm bảo quyền sở hữu lương hưu của người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, ĐBQH Đỗ Văn Sinh cũng nhấn mạnh, chế độ lương hưu trong Luật BHXH năm 2014 còn tồn tại những bất cập.
Cụ thể, đối với những người đang hưởng lương hưu mà bị tù giam trong giai đoạn từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/20015 thì bị cắt lương hưu trong thời điểm thực hiện án tù và chỉ được hưởng lại, sau khi ra tù.
Bên cạnh đó, đối với những người bị tù giam và những người bị buộc thôi việc giai đoạn trước ngày 01/01/1995 thì toàn bộ thời gian công tác đó bị cắt bỏ, không được tính để hưởng lương hưu. Đặc biệt trong đó, còn có cả những trường hợp nữ lao động sinh con thứ 3 ở giai đoạn đó cũng bị buộc thôi việc vì vi phạm chính sách, kế hoạch hóa gia đình.
“Vì vậy, để đảm bảo sự công bằng xã hội, đảm bảo quyền của công dân, đảm bảo thượng tôn của Hiến pháp, đồng thời cũng là thời cơ để khắc phục những mặt còn hạn chế trong chính sách khi còn chưa muộn. Tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội hãy sớm xem xét, quyết định hoàn trả lương hưu – là thu nhập hợp pháp cho những đối tượng này.” ĐBQH Đỗ Văn Sinh đề nghị.
theo tinnhanhchungkhoan.vn