Kiến nghị sửa đổi Luật BHXH ngăn ngừa các hành vi lạm dụng Quỹ BHXH

Có hiệu lực thi hành từ năm 2007, qua 07 năm tổ chức triển khai thực hiện, Luật BHXH đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vấn đề bất cập. Tình trạng lạm dụng Quỹ BHXH diễn ra phức tạp, đã và đang là thách thức lớn đối với cơ quan BHXH. Trong bối cảnh Luật BHXH đang được Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, việc nghiên cứu đánh giá thực trạng lạm dụng Quỹ BHXH, phân tích nguyên nhân, đề ra các giải pháp phòng, chống lạm dụng Quỹ BHXH là hết sức cần thiết.

LogoBHXH.png


Bài 1: Những điểm hạn chế trong Luật BHXH có nguy cơ dẫn đến các hành vi lạm dụng Quỹ BHXH

Quy định đối tượng tham gia

Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên. Tuy nhiên, đã xuất hiện các hành vi lạm dụng Quỹ BHXH từ quy định này. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh thường chỉ ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động để không phải tham gia BHXH cho người lao động.

Quy định về tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHTN

Tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHTN đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động, không bao gồm các khoản phụ cấp.

Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện cho thấy, các doanh nghiệp đã lợi dụng quy định nêu trên khi ký hợp đồng với người lao động; ghi tiền lương trong hợp đồng lao động ở mức rất thấp, bằng hoặc trên mức tối thiểu một ít, bổ sung nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH. Tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHTN thấp nên Quỹ BHXH, BHTN bị thất thu và quyền lợi hưởng các chế độ BHXH của người lao động không được đảm bảo. Theo kết quả điều tra lao động, tiền lương và BHXH trong các loại hình doanh nghiệp năm 2011 do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện, mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHTN bình quân trong 06 tháng đầu năm 2011 chỉ bằng 59% mức tiền lương bình quân. Mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHTN thấp, mức lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN sẽ thấp hơn rất nhiều so với tiền lương khi đang làm việc, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động .

Cũng có một số trường hợp người sử dụng lao động thông đồng với người lao động tăng mức tiền lương đóng BHXH cao bất thường làm căn cứ giải quyết các chế độ thai sản, hưởng trợ cấp thất nghiệp để trục lợi Quỹ BHXH, BHTN.

Quy định về vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về lạm dụng Quỹ BHXH

Các hành vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về BHXH đã được quy định khá rõ và cụ thể trong Luật và các văn bản hướng dẫn. Điều này đã giúp cho các bên tham gia BHXH tránh được những sai sót trong quá trình thực hiện, đồng thời giúp cho quá trình kiểm tra, thanh tra được dễ dàng, thuận tiện. Tuy nhiên, các quy định về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BHXH còn một số điểm còn chưa phù hợp, chưa sát với thực tế. Cụ thể:

– Khoản 3 Điều 138 Luật BHXH quy định, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm đóng không đúng mức hoặc đóng không đúng thời hạn từ 30 ngày trở lên, phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng, và phải đóng số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm. Thực tiễn cho thấy, do lãi suất hoạt động đầu tư Quỹ BHXH thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng, và mức tiền phạt tối đa trong xử lý vi phạm hành chính còn thấp (30 triệu đồng), nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng quy định này chiếm dụng tiền đóng BHXH trong thời gian kéo dài; có doanh nghiệp đã trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng lại không đóng cho tổ chức BHXH, sử dụng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, chấp nhận nộp phạt vì tổng số tiền phải nộp phạt và tiền lãi chậm nộp còn thấp hơn lãi vay ngân hàng.

Quy định về chế độ ốm đau

Chế độ ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày: Luật BHXH không quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu của người lao động trước khi hưởng chế độ ốm đau, đặc biệt là với người hưởng chế độ ốm đau mắc các bệnh thuộc danh mục chữa trị dài ngày. Như vậy, ngay khi người lao động bị ốm đau trong tháng đầu tiên đăng ký tham gia BHXH, họ có quyền được hưởng chế độ ốm đau như mọi đối tượng có thời gian đóng BHXH lâu hơn. Điều này dẫn tới chính sách dễ bị lạm dụng, nhất là trường hợp người lao động mắc các bệnh thuộc danh mục bệnh cần điều trị dài ngày. Một người lao động đã mắc bệnh cần điều trị dài ngày, họ có thể tham gia BHXH và ngay trong tháng đầu tiên đã được hưởng chế độ này. Thực trạng đó sẽ làm ảnh hưởng cân đối thu chi của Quỹ BHXH và nguyên tắc hưởng trên cơ sở mức đóng của BHXH. Quy định này cũng không đảm bảo được tính công bằng giữa những người lao động cùng tham gia BHXH, không đảm bảo mối tương quan về mức hưởng đối với chế độ BHXH khác – khi so với chế độ hưu trí (người hưởng lương hưu hàng tháng phải có 20 năm đóng BHXH mới được hưởng 55% (đối với nam) và 60% (đối với nữ) mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH); không tương quan với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38, Luật Lao động 2012: “Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục”. Thực hiện quy định này cũng sẽ làm ảnh hưởng tới cân đối của quỹ ngắn hạn.

Mức hưởng chế độ ốm đau cho người bị mắc bệnh cần chữa trị dài ngày đối với trường hợp nghỉ từ ngày 181 trở đi nếu mức hưởng thấp hơn lương tối thiểu chung thì được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung, đặc biệt đối với người lao động chỉ đóng BHXH hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung. Mức hưởng này tạo ra sự không hợp lý giữa những người cùng mắc bệnh chữa trị dài ngày có mức đóng BHXH khác nhau và giữa những người ốm mắc bệnh thông thường. Hơn nữa, trợ cấp ốm đau là khoản bù đắp về thu nhập trong thời gian nghỉ việc do ốm đau nên về nguyên tắc mức hưởng phải thấp hơn tiền lương, tiền công tháng khi đang làm việc.

Về chế độ thai sản

Luật BHXH quy định lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 04 tháng tuổi được hưởng chế độ thai sản khi đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Quy định này là bước tiến so với trước đây, đảm bảo tương đối tính hợp lý, vừa hạn chế được sự lạm dụng, vừa đảm bảo được quyền thụ hưởng của người lao động. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có hiện tượng lạm dụng, trục lợi hưởng chế độ thai sản. Theo như quy định thì mức hưởng của người lao động so với điều kiện đóng góp BHXH để được hưởng khá chênh lệch.

Ví dụ, với mỗi một lao động nữ tham gia BHXH với mức lương 10 triệu đồng/tháng thì số tiền đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản trong 06 tháng là: 10 triệu đồng x 06 tháng x 3% = 1,8 triệu đồng, khi nghỉ thai sản sẽ được hưởng số tiền trợ cấp thai sản là khoảng 42,1 triệu đồng (hưởng 100% tiền lương trong 04 tháng cộng thêm hai tháng mức tiền lương tối thiểu. Bộ luật Lao động mới quy định thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp này là 06 tháng, mức hưởng sẽ là 62,1 triệu đồng. Như vậy, rõ ràng là mức hưởng thai sản quá chênh lệch so với điều kiện về mức đóng để được hưởng. Một số cá nhân đã thành lập mạng lưới các công ty con tại nhiều tỉnh thành tuyển dụng phụ nữ mang thai ký kết hợp đồng lao động giả để lập hồ sơ đóng BHXH nhằm chiếm đoạt tiền trợ cấp thai sản.

Để đảm bảo không có sự chênh lệch lớn giữa mức đóng – hưởng, tránh việc lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, thì số tháng đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ thai sản phải tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, việc tăng điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm cho một bộ phận không nhỏ lao động nữ sẽ không được hưởng chế độ thai sản. Như vậy, sẽ không đảm bảo mục tiêu An sinh xã hội của hệ thống BHXH.

Về chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp

Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn quy định người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động phải hội đủ 02 điều kiện: (1) Bị tai nạn tại nơi làm việc; hoặc ngoài nơi làm việc, ngoài giờ làm việc nhưng theo yêu cầu của chủ sử dụng lao động; hoặc trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian, tuyến đường hợp lý (2) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do thương tật.

Các quy định trên đã tương đối hợp lý, bao trùm được đầy đủ các trường hợp tai nạn liên quan tới công việc. Tuy nhiên, quy định như vậy vẫn còn chung chung, khó xác định các nội dung như nơi ở, nơi làm việc, tuyến đường và khoảng thời gian hợp lý để xem xét tai nạn có liên quan đến công việc, đặc biệt là với tai nạn xảy ra ngoài nơi làm việc, trên tuyến đường đi của người lao động. Hơn nữa, ở các trường hợp này, các quy định của Luật đã không loại trừ các trường hợp tai nạn mà có các nguyên nhân chính như do người lao động như đánh nhau trong quá trình làm việc, do uống rượu, sử dụng chất kích thích; hoặc người lao động trong quá trình làm việc bị tai nạn do sự tái phát của những tiền sử bệnh lý… Các trường hợp như vậy rất khó khăn trong việc xác định. Quy định chưa rõ ràng dễ dẫn đến sự lạm dụng trong quá trình giải quyết hưởng chế độ. Người sử dụng lao động, người lao động có thể tìm cách hợp thức hồ sơ, giấy tờ nhằm trục lợi Quỹ BHXH. Thực tiễn thực hiện cho thấy, trong một số trường hợp người sử dụng lao động và người lao động đã cấu kết với nhau để hợp thức hóa những trường hợp tai nạn (không thuộc diện tai nạn lao động) thành tai nạn lao động để được hưởng trợ cấp.

Về chế độ hưu trí

Theo quy định hiện hành, người lao động có thể hưởng lương hưu trước tuổi quy định khi đã đủ 20 năm đóng BHXH và bị suy giảm khả năng lao động 61% với mức lương hưu thấp hơn khi thuộc một trong 02 trường hợp: (1) nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên; (2) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế ban hành. Quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho một bộ phận người lao động do suy giảm khả năng lao động phải nghỉ việc được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định nhưng vẫn có nguồn lương hưu đảm bảo cuộc sống của họ. Quy định này cũng dễ dẫn tới sự lạm dụng, người lao động cố tình nghỉ việc sớm khi vẫn còn khả năng lao động. Trong điều kiện công tác giám định y khoa hiện nay chưa thật sự được thực hiện chặt chẽ, nguy cơ lạm dụng càng lớn hơn hơn, dễ tạo ra sự không hợp lý giữa mức hưởng và mức đóng của đối tượng này. Theo quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Tuy nhiên, theo thống kê thực tế của BHXH Việt Nam tuổi nghỉ hưu bình quân hiện nay của nam là 55,2 tuổi và nữ là 51,7 tuổi.

Về chế độ tử tuất

Theo quy định của Luật BHXH, mức trợ cấp tuất hàng tháng và tuất một lần đã được tăng lên, không khống chế mức tối đa đối với trợ cấp tuất một lần cho thân nhân người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết. Quy định này đã đảm bảo tốt hơn quyền thụ hưởng chế độ của thân nhân người lao động, đảm bảo tốt hơn nguyên tắc đóng – hưởng. Tuy nhiên, quy định này cũng tạo ra sự chênh lệch giữa tiền tuất hàng tháng và tiền tuất 01 lần. Trong một số trường hợp nhiều người lao động chết còn ít thân nhân đủ điều kiện hưởng tuất hàng tháng hoặc thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng rất ngắn làm cho chênh lệch giữa tổng mức hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và trợ cấp tuất 01 lần rất lớn. Mặt khác, chưa có quy định cụ thể xác định “thu nhập” của thân nhân. Điều này dễ tạo nên sự tùy tiện trong việc giải quyết, xảy ra các trường hợp thân nhân người chết tìm cách lách luật, kê khai hoàn cảnh gia đình để được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc hàng tháng theo hướng có lợi hơn, gây thất thoát cho Quỹ BHXH.

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe

Theo quy định hiện hành, người lao động sau khi hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm. Với mức hưởng bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu dưỡng sức phục hồi sức khỏe tại gia đình và bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.

Đây là chế độ được quy định với mục đích giúp người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tái tạo sức lao động sau nghỉ việc do ốm đau, thai sản hoặc tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; mức hưởng tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung, không phụ thuộc vào thời gian đóng BHXH và mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH. Khi thực hiện, việc xác định thế nào là sức khỏe còn yếu là hết sức khó khăn, rất cảm tính. Điều này dễ dẫn đến sự lạm dụng và tùy tiện trong giải quyết khi thực hiện quy định này. Thực tiễn cho thấy, phần lớn các trường hợp, đặc biệt là sau khi nghỉ hết thời hạn hưởng chế độ thai sản đều được hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Điều Bá Được
Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.