Không tạo gánh nặng về tài chính và hành chính cho doanh nghiệp bảo hiểm, đó là lưu ý của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khi thẩm sơ bộ Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 3, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Với việc sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều, so với luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn.
Quản lý vốn trên cơ sở rủi ro
Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ sự cần thiết phải sửa luật. Đó là, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự.
Một số nội dung của luật hiện hành chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ…
Một số, quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2021, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và thống nhất với nội dung cơ bản của dự án Luật nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về phát triển thị trường bảo hiểm; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế; nâng cao năng lực quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm.
Về những nội dung sửa đổi, theo tờ trình, đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Về cấp giấy phép thành lập và hoạt động: dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.
Các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu – chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro như yêu cầu sử dụng chuyên gia tính toán trong trích lập dự phòng, dự phòng phải kèm theo tài sản tương ứng và được đánh giá thường xuyên; bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư thay bằng quy định về tài sản không được đầu tư, bổ sung quy định đầu tư ra nước ngoài; doanh nghiệp phải tách, ghi nhận và theo dõi riêng đối với nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong và ngoài nước.
Ngoài ra, bổ sung quy định đối với kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.
Làm rõ cơ sở xác định các tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, còn nhiều vấn đề cần được thuyết minh rõ ràng minh bạch hơn, nhất là liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với việc luật hoá các điều kiện kinh doanh, cấp phép thành lập và hoạt động; hồ sơ thủ tục do Chính phủ hướng dẫn; cơ quan thực hiện cấp phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm là Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến chủ thể kinh doanh (như: điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, quản trị doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát và kiểm toán nội bộ, các chức danh quan trọng của doanh nghiệp bảo hiểm…) bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi, không tạo gánh nặng về tài chính và hành chính cho doanh nghiệp; tránh sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, để phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Cụ thể hơn ở các nội dung dự kiến sửa đổi, cơ quan thẩm tra đề nghị cần quy định cụ thể điều kiện về nhân sự tại dự thảo Luật để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất. Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ, khoản 4 Điều 68, điều kiện về nhân sự khi cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được dẫn chiếu sang Điều 84 của dự thảo Luật, tuy nhiên, Điều 84 lại giao Chính phủ quy định chi tiết (trong khi đó, tại Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Chứng khoán, điều kiện về nhân sự đều được quy định cụ thể tại luật).
Thường trực cơ quan thẩm tra cũng đề nghị thuyết minh, báo cáo rõ về cơ sở xác định các tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm để bảo đảm không hạn chế quyền của cổ đông và tương đồng với các quy định của pháp luật.
Luật Tổ chức tín dụng và Luật Chứng khoán chỉ quy định về cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của tổ chức., báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Liên quan đến quy định áp dụng mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro thay thế cho mô hình tài chính hiện đang áp dụng, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đây là một trong 3 trụ cột của mô hình quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm đang được áp dụng phổ biến trên thế giới. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc áp dụng mô hình quản lý này là một bước tiến quan trọng và cần thiết, thích ứng thông lệ quốc tế, tạo chủ động cho doanh nghiệp bảo hiểm trong việc chủ động xác định quy mô kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính, lượng hóa được mức độ rủi ro, kịp thời có biện pháp an toàn tài chính.
Tuy nhiên, đây là nội dung có tính kỹ thuật và chuyên môn sâu, có tác động lớn đến các doanh nghiệp đang hoạt động do việc chuyển đổi mô hình quản lý tài chính với yêu cầu, đòi hỏi cơ sở dữ liệu, khả năng tính toán cũng như quản trị của các doanh nghiệp phải đáp ứng ở mức độ cao hơn. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm ở Việt Nam trong việc tính toán yêu cầu về vốn trên cơ sở rủi ro, sự đồng bộ hóa về các dữ liệu với cơ quan quản lý, giám sát về hoạt động bảo hiểm.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn