Không có thẻ BHYT, viện phí có thể tăng gấp 4 lần: Người nghèo sẽ ra sao?

Từ ngày 1/6 tới, giá viện phí mới với bệnh nhân chưa có thẻ BHYT sẽ được áp dụng theo đó chi phí có dịch vụ tăng tới 4 lần.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ  Bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) trong một số trường hợp.

Giá viện phí mới với bệnh nhân chưa có thẻ BHYT sẽ được áp dụng với mức tăng gấp 4 lần so với hiện nay và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2017.

Theo đó, Thông tư số 02 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.

Mức giá hơn 1.900 dịch vụ y tế, bao gồm: Mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khoẻ; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm… được áp dụng tại cơ sở khám chữa bệnh nhà nước, người bệnh chưa tham gia BHYT, người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức giá tối đa được quy định tại thông tư này cũng tương đương với giá đã ban hành cho nhóm bệnh nhân có BHYT theo các hạng bệnh viện. Việc tăng giá lần này chủ yếu tập trung vào tăng giá khám bệnh và giá giường nằm.

Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Theo quy định mới, tiền khám tối đa (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) ở bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và bệnh viện hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt.

Giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt là 677.100 đồng; bệnh viện hạng 1 là 632.200 đồng; bệnh viện hạng 2 là 568.900 đồng.

Đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc, các mức tương ứng là: 362.800 đồng/ngày, 335.900 đồng/ngày, 279.100 đồng/ngày; tại bệnh viện hạng 3 là 245.700 đồng/ngày và BV hạng 4 là 226.000 đồng/ngày…

Giá ngày giường điều trị chỉ được tính cho 1 người/giường điều trị; trường hợp nằm ghép 2 người/giường thì chỉ được thu tối đa 50%. Trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên, thì chỉ được thu tối đa 30%. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp thì tạm thời áp dụng mức giá 50% theo từng loại chuyên khoa đã được quy định tại Thông tư…

Ngoài ra một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20- 30% so với mức giá hiện hành và tương đương giữa nhóm có BHYT và không có BHYT. Trong đó, có những dịch vụ có chi phí rất cao. Ví dụ với chụp PET/CT chi phí tối đa lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng…

Theo Bộ Y tế, hiện nay số dân tham gia BHYT đạt 81% dân số. 20% dân số còn lại chưa tham gia BHYT, phần lớn là những người có mức sống trung bình trở lên nên việc điều chỉnh sẽ giúp người dân thấy lợi ích của BHYT để tham gia.

Đối với 20% dân số chưa có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn được thanh toán theo Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Tài chính – Y tế.

So với giá dịch vụ y tế cũ chỉ cấu thành trên 3 yếu tố nên người dân khi bị bệnh sẵn sàng chi trả theo giá dịch vụ mà không cần tham gia BHYT nhưng lần áp giá trần này chi phí tăng rất lớn.

Chẳng hạn, khi người dân đi khám bệnh ở phòng khám đa khoa, giá là 29.000 đồng còn giá cũ là 7.000 đồng. Khi người dân đi khám mà có BHYT sẽ được BHYT thanh toán 80%, còn người dân đồng chi trả hơn 4.000. Nếu theo giá cũ người dân cũng chỉ phải thanh toán 7.000 nên nhiều người suy nghĩ không cần tham gia BHYT.

Nếu người dân không may bị bệnh, nhất là bệnh nặng, nhiều dịch vụ y tế, nhất là với những dịch vụ kỹ thuật cao thì chi phí sẽ rất lớn.

Người không có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với người nghèo. Nếu người nghèo không có thẻ BHYT sẽ là một gánh nặng cho gia đình, không thể được tiếp cận với những dịch vụ y tế tốt nhất có phí lớn và rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm” đành chấp nhận theo số phận chỉ vì không có tiền để chi trả chi phí khám chữa bệnh…

Như vậy, việc người dân tham gia BHYT theo Thông tư 02/2017/TT-BYT sẽ có lợi rất lớn. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc làm này sẽ góp phần thúc đẩy người dân tham gia BHYT, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân.

theo giadinhvietnam.com

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.