Đã qua 2 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm (BH) tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ đã phát huy hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, với sự tham gia của “vỏn vẹn” 4 “ông lớn” ngành BH, dư luận vẫn đặt ra câu hỏi liệu có câu chuyện độc quyền trong lĩnh vực này?
Không có chuyện độc quyền!
Trả lời câu hỏi “Có hay không độc quyền trong BH tàu cá?”, ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính khẳng định: “Không có chuyện đó!”
Phân tích cụ thể, ông Huyền cho hay: Chính sách BH tàu cá theo Nghị định 67 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển ngành tàu cá. Trên thực tế, các tàu có công suất lớn, có giá trị lớn tham gia đánh bắt xa bờ đều có khả năng gặp phải nhiều rủi ro như gió, bão, tố, lốc, thậm chí là thảm họa như sóng thần. Chính vì vậy, để đảm bảo được quyền lợi của ngư dân tham gia BH, các DNBH triển khai chương trình BH tàu cá đòi hỏi phải có vốn, năng lực quản trị, có mạng lưới và có kinh nghiệm trên thị trường.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, giá trị BH tàu cá trong 6 tháng đầu năm 2016 là hơn 12.000 tỷ đồng và lũy kế từ năm 2015 đến nay là hơn 40.000 tỷ đồng. Với giá trị BH lớn như vậy, trong trường hợp xảy ra rủi ro lớn như thiên tai, thảm họa, mức độ thiệt hại sẽ rất lớn nên 1 DN không thể đủ năng lực tài chính để BH cho toàn bộ tàu cá. Với nguyên nhân ấy nên tất cả các DNBH tham gia triển khai đều đứng tên trong tất cả các hợp đồng BH ký với ngư dân tại 28 tỉnh, thành phố. Đồng thời, các DN này đều có trách nhiệm thu xếp BH và cùng chịu trách nhiệm về tổn thất thuộc phạm vi BH của ngư dân theo hợp đồng BH, hay nói một cách khác là chia sẻ rủi ro. Việc chia sẻ rủi ro này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như phương thức triển khai đồng BH đã được Chính phủ quy định trong Nghị định 67. Điều đó cũng đồng nghĩa, tất cả các DNBH đáp ứng đầy đủ điều kiện và nộp hồ sơ đều được triển khai chính sách BH theo Nghị định 67. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 4 DNBH nói trên đáp ứng đủ các điều kiện này. 4 DN này phải có trách nhiệm thu xếp hợp đồng BH đối với ngư dân khi có nhu cầu về BH. Tất cả ngư dân có nhu cầu tham gia BH đến bất kỳ DNBH nào trong 4 DN nói trên đều được các DN này thu xếp hợp đồng BH.
“Vì vậy, chúng tôi khẳng định không có chuyện độc quyền trong BH tàu cá như dư luận nêu” – ông Huyền nói – “Những điều kiện mà Bộ Tài chính đưa ra đối với các DNBH tham gia BH tàu cá không nhằm tạo thị trường độc quyền mà hướng tới việc đảm bảo khả năng được bồi thường của bà con ngư dân khi gặp tổn thất”.
Khẳng định điều tương tự, ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội BH phân tích trên khía cạnh đặc thù của việc triển khai BH tàu cá theo Nghị định 67. Theo đó, hoạt động của tàu cá theo Nghị định 67 được kiểm soát bởi rất nhiều lực lượng chức năng của địa phương như đơn vị cấp phép khai thác vùng biển; đơn vị đăng ký, đăng kiểm tàu bè; bộ đội biên phòng; địa phương chi trả trợ cấp phí BH,… Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động của các tàu là đối tượng của Nghị định 67 khá lớn, có cả vùng khơi, vùng lộng, thậm chí là ra cả vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với các nước lân cận trong khu vực. Do đó, để quản lý những tổn thất xảy ra, DNBH tham gia cần phải có năng lực nhất định.
Đứng từ phía bà con ngư dân, việc được bồi thường tổn thất kịp thời là hết sức quan trọng. Ông Lộc cho rằng: DNBH phải đủ kinh nghiệm để quản lý được rủi ro, nhanh chóng thẩm định tổn thất, ban hành kết luận bồi thường và chi trả bồi thường kịp thời, tránh gây bức xúc cho người tham gia BH cũng là bức xúc đối với xã hội. Do đó, việc Bộ Tài chính đề ra những tiêu chí để lựa chọn các DNBH tham gia BH tàu cá là hợp lý vì những DN đạt đủ các tiêu chí đó mới đủ khả năng đảm bảo cho việc khai thác BH của 28.000 con tàu tại 28 tỉnh, thành phố ven biển của nước ta. “4 DNBH đang tham gia Nghị định 67 chính là những DN đứng đầu trong thị trường, có đủ năng lực tài chính về vốn cũng như có dự phòng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng hoàn toàn có thể đảm bảo an toàn cho những người tham gia BH” – đại diện Hiệp hội BH khẳng định.
Hơn thế nữa, nếu “chiếu” theo Nghị định 67 và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các DNBH đáp ứng đủ tiêu chí chỉ là những đầu mối để làm việc với chính quyền địa phương, ngư dân trong quá trình triển khai chương trình BH. Sau đó, các DN này tiến hành đồng BH chia sẻ rủi ro với các DNBH phi nhân thọ còn lại trên thị trường thông qua hoạt động tái BH. “Như vậy, chúng tôi khẳng định không có độc quyền, tất cả các DN đều có thể tham gia chương trình này. Nếu không đủ điều kiện tham gia trực tiếp, các DNBH có thể tham gia Nghị định 67 thông qua việc nhận tái BH của 4 DN trên” – ông Lộc nói.
Vì an sinh xã hội, lỗ vẫn làm
Nhìn nhận từ góc độ DN, ông Quách Thành Nam – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty BH Bảo Việt cho biết: Với loại hình BH tàu cá, ngoài rủi ro thông thường ngoài khơi, bà con còn phải đối mặt với những hiểm họa mang tính chất thảm họa như sóng thần, động đất. Do vậy, việc có thể huy động tài chính kịp thời để giải quyết quyền lợi BH cho ngư dân vào thời điểm xảy ra thảm họa là tiêu chí rất quan trọng đối với các DN tham gia chương trình BH tàu cá. Ngoài việc tuân thủ quy tắc, biểu phí đã được Nhà nước ban hành cũng như giám sát việc tuân thủ, thực thi thực hiện đảm bảo, DNBH cũng phải sẵn sàng các biện pháp củng cố năng lực tài chính của bản thân DN để đáp ứng được trong trường hợp thảm họa bằng các phương tiện như tái BH, đồng BH – những phương pháp mà các DNBH tại Việt Nam cũng như trên thế giới thường áp dụng để có thể sẵn sàng năng lực phục vụ trong trường hợp nguy cấp. Thực tế, khi chuẩn bị năng lực để tham gia chương trình BH tàu cá, Bảo Việt cũng đã thảo luận, đàm phán với các nhà tái BH trong nước cũng như quốc tế; xây dựng được chương trình tái BH đảm bảo cho các trường hợp thảm họa, tổn thất lớn.
Đặc biệt, nhìn vào báo cáo tài chính của các DNBH có thể thấy, tổng số lỗ của các nghiệp vụ này đến cuối 2015 là hơn 50 tỷ đồng. Đặc biệt với quy định lãi không được chia, phải để lại dự phòng còn lỗ vẫn phải giải quyết bồi thường đầy đủ nên có thể nói 4 DNBH tham gia BH tàu cá đang thực hiện chính sách an sinh xã hội, động viên bà con ngư dân vững tâm ra khơi khai thác hải sản, làm kinh tế cho đất nước, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Việt Nam.
Chia sẻ thêm, ông Nam cho biết: Với chính sách lớn của Nhà nước như BH tàu cá, bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, Bảo Việt cũng như các DNBH cùng triển khai chương trình này đều xác định đây là cơ hội để tham gia vào một chương trình mang tính chất an sinh xã hội lớn để phát triển bền vững cùng cộng đồng. Do đó, trong công tác chỉ đạo các đơn vị, cán bộ, tư vấn viên, lãnh đạo của Bảo Việt có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn; có sự giám sát tuân thủ chặt chẽ và thường xuyên để đảm bảo chính sách của Nhà nước được thực thi và các quyền lợi của ngư dân được đảm bảo.
Hiện có 4 DNBH đang triển khai sản phẩm BH này là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, Tổng công ty Bảo hiểm PVI.
Theo đánh giá mới đây của Bộ Tài chính, việc triển khai tích cực, đồng bộ và hiệu quả chính sách BH tàu cá theo Nghị định 67 đã tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tính từ đầu năm đến 30-6-2016 đã có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển phát sinh doanh thu phí BH thân tàu, ngư lưới cụ và BH tai nạn thuyền viên. Tổng giá trị BH ước đạt 37.412 tỷ đồng; tổng số phí BH ước đạt 387 tỷ đồng. Tổng số lượt tàu tham gia BH thân tàu, ngư lưới cụ ước đạt 14.977 tàu; tổng số lượng thuyền viên được BH ước đạt 145.960 thuyền viên. Tổng bồi thường khoảng 59,8 tỷ đồng và hiện tại, đang xem xét giải quyết bồi thường 82,1 tỷ đồng. |
theo baohaiquan.vn