Theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, theo BHXH Hà Tĩnh, đã 6 tháng kể từ ngày Nghị định 115 có hiệu lực, trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn chưa có trường hợp nào tham gia BHXH.
Ông Phan Văn Anh – Trưởng phòng Thu – BHXH tỉnh cho biết, theo Nghị định 115/2015 hướng dẫn thực hiện Luật BHXH 2014, người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016. Theo đó, các đối tượng người lao động này gồm: đi làm việc theo hợp đồng với công ty dịch vụ xuất khẩu lao động, tổ chức sự nghiệp; đi làm việc với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ở nước ngoài; đi thực tập nâng cao tay nghề; đi theo hợp đồng cá nhân.
Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh cung cấp thông tin, tuyên truyền và tư vấn quyền lợi khi tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động.
Nghị định này cũng ghi rõ, trừ người lao động đi làm với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ở nước ngoài phải tham gia tất cả hình thức BHXH bắt buộc, 3 nhóm lao động còn lại chỉ đóng BHXH cho chế độ hưu trí và tử tuất. Mức đóng hàng tháng được xác định bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc; bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa đóng BHXH bắt buộc hoặc đã đóng BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần.
Người lao động có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng/lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn hợp đồng. Về hình thức đóng, người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú trước khi đi hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử.
Theo ông Phan Văn Anh, ngay sau khi Nghị định 115 có hiệu lực, BHXH tỉnh đã có công văn, đồng thời, làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động thuộc tỉnh quản lý để hướng dẫn doanh nghiệp tư vấn cho người lao động. “Tuy nhiên, đến nay, đã 6 tháng kể từ ngày Nghị định 115 có hiệu lực, BHXH tỉnh vẫn chưa thu được BHXH của người lao động đi làm việc ở người ngoài theo quy định”. Ông Phan Văn Anh cũng cho rằng, thực tế cơ quan BHXH không biết có bao nhiêu người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian qua. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua các doanh nghiệp ngoài tỉnh thì lại càng khó quản lý số lượng.
Theo ông Nguyễn Tiến Hòa – Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh, chính sách này nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động. Tuy nhiên, việc thu BHXH đối với đối tượng này là rất khó. Bởi, người lao động đi làm việc ở nhiều nước nên thu nhập, quyền lợi, nghĩa vụ ở nước sở tại cũng khác nhau, dẫn đến điều kiện tham gia bảo hiểm cũng khác nhau.
Cùng quan điểm với ông Hòa, ông Lê Đức Thắng – Giám đốc Công ty CP Phát triển công nghiệp – xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh cho rằng, việc thu BHXH bắt buộc đối với lao động xuất khẩu là rất khó. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài chỉ là cung ứng lao động chứ không phải chủ sử dụng lao động nên đóng bảo hiểm là do người lao động chứ không phải trách nhiệm của doanh nghiệp. Trước khi đi làm việc ở nước ngoài, người lao động đã phải đóng các khoản phí theo quy định, vì vậy, mất thêm khoản chi phí nào cũng là gánh nặng cho họ.
Quy định người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH là chính sách ưu việt, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội, đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động và đúng với lộ trình mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Để thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa ngành bảo hiểm và ngành LĐ-TB&XH, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, làm rõ quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohatinh.vn)