Cơn bão số 12 (tên quốc tế là bão Damrey) đổ bộ vào Phú Yên – Khánh Hòa tính đến nay thiệt hại về tài sản lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã có báo cáo sơ bộ lên Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) mức độ tổn thất cũng như các thông tin liên quan đến tái bảo hiểm.
Các tổn thất được bảo hiểm dù đang trong quá trình thống kê, nhưng theo khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán tại một số doanh nghiệp bảo hiểm lớn, con số tổn thất tính đến thời điểm này khá lớn, trong đó các thiệt hại chủ yếu liên quan đến tài sản.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Bảo hiểm PVI cho biết, đây là cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất từ đầu năm đến nay và với những sự kiện rủi ro thiên tai như thế này, Bảo hiểm PVI luôn đồng hành cùng với người được bảo hiểm, phối hợp chặt chẽ cùng các bên liên quan để nhanh chóng khắc phục sự cố sớm nhất có thể và làm tròn trách nhiệm đã ghi nhận trong các hợp đồng/đơn bảo hiểm với tư cách và uy tín của một nhà bảo hiểm đứng đầu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm số 1 thị trường về bảo hiểm tài sản này cũng cho bíết, các thông số thống kê đến nay chưa thể đầy đủ, vì có những trường hợp người được bảo hiểm chưa tiếp cận được hiện trường và/hoặc chưa thể xác định chi phí khắc phục.
“Tính đến ngày 15/11, đã có gần 80 hạng mục tài sản lớn, chủ yếu là tàu thuyền, nhà xưởng, hàng hóa…được bảo hiểm bởi Bảo hiểm PVI chịu thiệt hại của bão Damrey, ước bồi thường trên 170 tỷ đồng”, nguồn tin từ Bảo hiểm PVI cho hay.
Còn các doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng cho biết, ngay sau khi bão tan cũng đã phối hợp với các khách hàng tham gia bảo hiểm để đánh giá mức độ tổn thất cũng như thực hiện các biện pháp nhằm đề phòng, hạn chế tổn thất phát sinh thêm, nhanh chóng thực hiện các công việc giám định, thu thập hồ sơ phục vụ cho công tác giám định và bồi thường tổn thất.
Thậm chí, ngay cả khi cơn bão chưa tan Bảo hiểm PVI đã tiến hành thống kê theo dõi tổn thất, ngoài hướng dẫn khách hàng các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, còn nhanh chóng liên hệ với các đơn vị giám định tiến hành giám định để có cơ sở bồi thường.
Bên cạnh đó, nhà bảo hiểm này còn cử ngay đoàn công tác từ Tổng công ty và các đơn vị miền Trung tới tận hiện trường để thăm hỏi, động viên, chia sẻ, trực tiếp giải quyết các vấn đề khó khăn cho khách hàng.
“Nhằm chia sẻ với mất mát của người tham gia bảo hiểm, không phải đến cơn bão số 12 này mà ngay cả các đợt thiên tai, bão lụt hay sự cố nghiêm trọng trước đây, Bảo hiểm PVI cũng thường xuyên cử đoàn công tác trực tiếp sát cánh cùng khách hàng tìm biện pháp khắc phục tổn thất một cách nhanh nhất”, đại diện Bảo hiểm PVI cho biết.
Bảo hiểm PVI cũng đang sát cánh và hỗ trợ người được bảo hiểm nhanh chóng khắc phục tổn thất, tránh những tổn thất phát sinh thêm từ những thiệt hại sẵn có, đặc biệt đối với các chủ tàu có tàu gặp nạn, chủ hàng có hàng trên tàu gặp nạn nhanh chóng đạt được phương án giải quyết sự cố, không làm ảnh hưởng tới môi trường của địa phương nơi xảy ra tổn thất.
Thậm chí, các nhà bảo hiểm còn phối hợp giải quyết khá chặt chẽ tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm. Trong cơn bão này ngoài Bảo hiểm PVI còn có sự tham gia của một số DN bảo hiểm khác. Các bên đã phối hợp tốt với nhau để để ra phương án xử lý phù hợp bằng việc tuyên bố tổn thất chung và cam kết cùng đóng góp khắc phục nhanh sự cố.
Liên quan đến giải quyết bồi thường bảo hiểm, Bảo hiểm PVI cũng cho biết cùng với việc khắc phục tại hiện trường, hãng này cũng thường xuyên đôn đốc, phối hợp với các giám định việc hiện trường, các công ty giám định độc lập và các bên liên quan nhanh chóng thực hiện việc kháo sát, báo giá đúng với qui trình và tuân thủ pháp luật để việc tạm ứng/bồi thường cho khác hàng được thực hiện và đáp ứng đúng tiến độ và thời gian.
theo tinnhanhchungkhoan.vn