Mặc dù Bảo hiểm y tế (BHYT) không còn chi trả cho các bệnh nhân đến khám bệnh vượt tuyến tại các BV tuyến trên từ 1-1-2015 nhưng vẫn có rất đông các bệnh nhân có thẻ BHYT không xin được giấy chuyển viện vẫn đến khám vượt tuyến tại các BV tuyến Trung ương.
|
Nơi tiếp đón bệnh nhân của BV Bạch Mai luôn chật kín
Ảnh: TNK
Sáng 5-5, phóng viên báo Đại Đoàn Kết có mặt ở BV Bạch Mai (Hà Nội). Bà Vũ Thị Chén (65 tuổi) đến từ xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình do biến chứng từ bệnh đái đường sang suy thận. Bà nguyên là chiến sĩ TNXP đơn vị N33, Đoàn 559, được cấp thẻ BHYT, diện dành cho hộ nghèo. Thẻ của bà hết hạn từ ngày 31-12-2014 nhưng “chẳng hiểu sao cho đến giờ họ vẫn không cấp lại cho tôi mặc dù nhà tôi vẫn thuộc diện hộ nghèo”, theo bà Chén. Kết quả là sáng 5-5, bà buộc phải tự chi đến hàng trăm nghìn đồng khám và xét nghiệm đủ các loại vượt tuyến. “Cũng là mất tiền do chưa được cấp tiếp thẻ BHYT mới, tôi lên đây khám cho đảm bảo” – bà nói.
Trường hợp khác là anh Cao Danh Sơn (33 tuổi) bị suy thận độ 3, đến đây từ huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Theo thẻ BHYT của anh ghi nơi khám chữa bệnh ban đầu tại BV Đa khoa Hồng Nghị, tỉnh Nghệ An, còn hạn đến hết ngày 31-12-2015, nhưng trong khi đang điều trị tại đây, anh vẫn tự ý vượt tuyến về BV Bạch Mai, “để kiểm tra lại cho chắc”. Và cái giá “cho chắc” này là anh phải tự chi trả đến ngót 1 triệu đồng cho các loại dịch vụ cận lâm sàng: nội soi dạ dày, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm thận… theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu như số bệnh nhân đến khám vượt tuyến tại BV Bạch Mai chiếm tỷ lệ từ 1/3 đến 1/2 trong tổng số bệnh nhân đến khám hàng ngày trước đây, khi họ còn được hưởng BHYT 30% chi phí khám bệnh vượt tuyến thì nay theo Phó trưởng khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho biết: “Tuy bệnh nhân không còn được hưởng chế độ này rồi nhưng hàng ngày chúng tôi vẫn gặp lại họ ở đây, nhất là đối với những người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, thận, xương khớp, thần kinh…”.
Như trường hợp bà Nguyễn Thị Thành (59 tuổi), đến từ huyện huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Có thẻ BHYT diện cho hộ nghèo, mặc dù không xin được chuyển viện nhưng bà vẫn đến BV Bạch Mai chấp nhận nộp 1,8 triệu đồng chụp não cộng hưởng từ. Theo lời kể của bà, mặc dù đã đi cả BV huyện và BV tỉnh ở Bắc Ninh nhưng “mỗi nơi phán một khác. Kết quả tôi vẫn bị đau đầu triền miên”. Đây cũng là nguyên nhân khiến bà phải lặn lội đi khám vượt tuyến như vậy.
Lại có bệnh nhân vượt tuyến đến đây từ cả những BV được cho là có tiếng của ngành y tế như BV Tim Hà Nội. Mặc dù đây là BV trực thuộc Sở Y tế Hà Nội nhưng từ nhiều năm nay, BV này có nhiều nỗ lực trong các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh về tim như can thiệp mạch, phẫu thuật tim…, thu hút được rất nhiều người bệnh đến từ không chỉ khu vực Hà Nội mà từ mọi nơi trong cả nước, được ngành BHXH cho phép và thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh theo chế độ BHYT như một cơ sở y tế tuyến trung ương. Ấy vậy nhưng, trong một lần đến khám theo thẻ BHYT tại BV này, mới chỉ nghe bác sĩ ở đây “phán” một câu: “Chị về chuẩn bị mổ nội soi” là người bệnh này hoảng quá, “biến” luôn một “hơi” về ăn Tết. Nay mặc dù không có giấy chuyển viện, bà vẫn tìm đến BV Bạch Mai để hy vọng mình “chỉ phải uống thuốc gì đó là ổn” mặc dù bà biết rằng khám vượt tuyến tự mình phải chịu chi trả 100% chi phí.
Một ngày, khoa Khám bệnh của BV Bạch Mai tiếp hàng nghìn bệnh nhân từ khắp nơi đổ về đây. Quá nửa trong số đó thuộc diện khám vượt tuyến BHYT và đương nhiên người bệnh phải chịu toàn bộ các khoản chi phí, kể cả những dịch vụ cận lâm sàng tốn kém tiền triệu đồng. Và có không ít người trong số họ thuộc diện nghèo, quá nghèo, đến mức phải chạy ăn từng bữa, đi vay tiền khám chữa bệnh. Có muôn vàn lý do khiến họ phải chấp nhận những “phận” như vậy. Trong đó, qua điều tra sơ bộ của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, phần nhiều do họ mất niềm tin đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo daidoanket.vn)
|