Trong nhiều năm lại đây, châu Á nổi tiếng là thân thiện với công nghệ. Với sự tăng trưởng của các thiết bị kết nối với Internet, xu hướng này có thể đem lại những lợi ích thực sự cho ngành bảo hiểm trong khu vực.
Internet of Things (IoT) được hiểu là một kịch bản của thế giới với việc con người gắn cho mỗi đồ vật một định danh riêng, đồng thời tất cả các đồ vật này có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay giữa người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet.
Nói cách khác, Internet of Things là khi tất cả mọi thứ đều được kết nối với nhau qua mạng Internet, người dùng (chủ) có thể kiểm soát mọi đồ vật của mình qua mạng mà chỉ bằng một thiết bị thông minh, chẳng hạn như smartphone, tablet, PC hay thậm chí chỉ bằng một chiếc smartwatch nhỏ bé trên tay.
Trên thực tế, châu Á đã chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu với việc đầu tư mạnh vào IoT. Theo dự báo của Công ty Dữ liệu quốc tế IDC, chi tiêu cho IoT trên toàn cầu sẽ tăng trưởng 17% lên xấp xỉ 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2019 (so với 698,6 tỷ USD năm nay) – trong số đó trên 40% là của châu Á.
Theo ông Marcus Torchia, chuyên gia nghiên cứu tại IDC: “Triển vọng đầu tư vào IoT của khu vực châu Á-Thái Bình Dương dựa trên 3 nền tảng chính: công nghệ thông tin truyền thống không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đầu tư vào công nghệ của các nước đang phát triển, vì vậy cần mở rộng đầu tư vào IoT; hoạt động đầu tư của chính phủ các nước vào phát triển hạ tầng và hiện đại hóa hoạt động kinh doanh, chẳng hạn ở Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, đang kết hợp ngày càng nhiều các thành phần của IoT; và sự xuất hiện của một tầng lớp khách hàng mới đang thúc đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, trong đó có các thành phần của IoT”.
Sự sẵn sàng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc sử dụng các ứng dụng, thiết bị và wearable* dựa trên nền Internet sẽ làm gia tăng tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm thông qua việc giảm thiểu chi phí hợp đồng bảo hiểm và không chỉ dành cho các khách hàng có mức độ rủi ro thấp (như lái xe an toàn hay có chế độ ăn uống lành mạnh).
Theo nhận định của Towers Watson, cuộc cách mạng số và IoT đem lại các cơ hội chuyển đổi rất lớn, bao gồm:
Các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm mới, kênh phân phối và cơ chế kiểm soát tổn thất mới.
Giảm chi phí và tần suất tổn thất.
Gia tăng sự gắn kết của khách hàng.
Nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng công tác đánh giá rủi ro.
Tất cả những điều này sẽ khiến cho sản phẩm bảo hiểm rẻ hơn và ít rủi ro hơn.
Rất nhiều sáng tạo liên quan đến IoT đang được triển khai tại Mỹ, tuy nhiên sự sẵn sàng của châu Á trong việc tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến này sẽ có thể đem đến những cơ hội tăng trưởng lớn, giải quyết được tình trạng bế tắc về tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm do sức mua thấp.
Mặc dù có những mối quan ngại về khả năng bảo vệ thông tin cá nhân và an ninh mạng khi sử dụng IoT, song dường như đối với người tiêu dùng châu Á, đây không phải là vấn đề lớn như khách hàng ở châu Âu hay châu Mỹ. Trên thực tế, người dân châu Á đang khá hào hứng với những ưu thế của công nghệ này.
Một lãnh đạo bảo hiểm cấp cao đặt vấn đề: “Tôi có thể gắn con chip nhỏ vào người bà ngoại tôi không nhỉ? Nếu việc làm đó có ích, thì tại sao lại không? (tất nhiên là tôi sẽ không nói cho bà biết)”.
Mặc dù vị lãnh đạo này không muốn tiết lộ danh tính, nhưng công nghệ kể trên là hoàn toàn có thể thực hiện được. Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã chấp thuận việc sử dụng viên thuốc kỹ thuật số (qua đường uống vào người) để nhắc bệnh nhân về giờ giấc điều trị. Còn các doanh nghiệp BHNT châu Á hiện nay cũng đang bắt đầu cung cấp các sản phẩm bảo hiểm liên kết với việc theo dõi các chỉ số sức khỏe của người được bảo hiểm.
Trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và thiệt hại, một trong các sản phẩm được nhiều người biết đến là bảo hiểm dựa trên quá trình sử dụng thực tế do Progressive giới thiệu từ hơn 10 năm về trước. Ngày nay, một số xe hơi hiện đại thậm chí còn lắp đặt kết nối Internet 4G cùng với cơ chế bảo vệ an toàn bậc cao và thiết bị telematics (thu phát tín hiệu từ xa). Đối với nhà ở, thiết bị cảm biến có thể thông báo từ xa cho chủ nhà về các sự cố hỏa hoạn, nổ đường ống hoặc mỗi khi có người lạ mặt đột nhập. Qua đó làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của tổn thất.
Nhiều khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy khách hàng sẵn lòng chấp nhận những sản phẩm này nếu chúng giúp cho giá sản phẩm bảo hiểm trở nên rẻ hơn.
Hẳn rằng ngành bảo hiểm châu Á còn chậm chân trong việc triển khai các sản phẩm sáng tạo dựa trên IoT, tuy nhiên quy mô chi tiêu của khách hàng trong khu vực vào IoT cho thấy cơ hội rõ ràng đối với các doanh nghiệp có tầm nhìn và chiến lược trong lĩnh vực này./.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo webbaohiem.net)