Theo đó, trí tuệ nhân tạo (AI), liên kết chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), các thiết bị kết nối điện tử… đang và sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị của các công ty bảo hiểm.
Lấy dẫn chứng, ông Patrick Hanna cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm đang có xu hướng áp dụng Big Data vào quá trình phân tích dữ liệu nhằm nâng cao hiểu biết đối với hành vi khách hàng, từ đó nâng cao trải nghiệm sử dụng dịch vụ của khách hàng, gia tăng khả năng linh hoạt và di động của đội ngũ nhân viên, đại lý thông qua các kết nối điện tử, gia tăng các bước kiểm soát, cải thiện quy trình và sử dụng công nghệ để giảm thiểu sai sót và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe hơn về tuân thủ…
“Xu hướng này sẽ tạo ra những thay đổi vô cùng lớn, bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng không nằm ngoài tác động mà các yếu tố này mang lại. Trong cuộc chiến mới về thị phần bảo hiểm, sự thành công chỉ dành cho những doanh nghiệp tận dụng được sức mạnh của công nghệ, cũng như nắm bắt và chuyển mình tốt nhất với những xu hướng đó”, ông Patrick Hanna nhấn mạnh.
Rõ ràng, đối mặt với việc ứng dụng công nghệ số hóa vào bảo hiểm (InsurTech), các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng trước những cơ hội trong việc thúc đẩy tăng trưởng, cắt giảm chi phí, đồng thời gia tăng sự khác biệt trên thị trường.
ADVERTISEMENT
Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức đang chờ đợi khi áp lực về lợi nhuận vẫn luôn gia tăng hàng ngày, sự khốc liệt trong quá trình cạnh tranh, cũng như những khó khăn trong quá trình thay đổi từ mô hình môi giới truyền thống, đặc biệt là câu chuyện về vốn.
Trong năm 2018, Manulife Việt Nam đã nâng vốn điều lệ lên 9.695 tỷ đồng nhằm tạo ra nguồn lực để đầu tư mạnh vào các dự án số hóa. Dai-ichi Việt Nam đã được Bộ Tài chính chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên gần 7.700 tỷ đồng với mục tiêu tập trung vào việc phát triển nghiên cứu sử dụng dữ liệu y tế để xây dựng kho dữ liệu hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực sức khỏe và khám chữa bệnh.
Với Generali Việt Nam, hãng bảo hiểm này đã tăng vốn từ mức 2.200 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng để đầu tư mạnh vào phát triển ứng dụng công nghệ GenClaims – tăng khả năng giao tiếp trực tuyến với khách hàng trong mọi tình huống…
Ngoài việc công ty mẹ, đối tác góp thêm vốn hay chào bán cổ phần, M&A cũng là giải pháp được các doanh nghiệp bảo hiểm Việt lựa chọn để tăng vốn. Chẳng hạn, Đại hội đồng cổ đông năm 2018 của MIC đã thông qua tờ trình thực hiện chiến lược M&A tìm kiếm đối tác chiến lược nhằm hưởng lợi từ các giá trị cộng hưởng như thu hút vốn, gia tăng hoạt động đầu tư, mở rộng mạng lưới và đầu tư nâng cấp công nghệ thông tin…
Cuối tuần trước, Tổng CTCP Bảo hiểm VietinBank (VBI) đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng đặt mua cổ phần với Hyundai Marine & Fire Insurance Company Limited (HMFI) – công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn thứ 2 tại Hàn Quốc.
Theo đó, HMFI sẽ mua cổ phần VBI để nắm giữ 25% vốn điều lệ của Công ty, số lượng cổ phần phát hành thêm xấp xỉ 16,67 cổ phiếu. Theo đó, tổng số vốn cổ phần của VBI sau khi phát hành đạt gần 6.670 tỷ đồng.
“HMFI sẽ tập trung hỗ trợ VBI mở rộng mạng lưới khách hàng, đặc biệt là các khách hàng Hàn Quốc tại Việt Nam, đồng thời phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới phù hợp với thị trường Việt Nam, cũng như phát triển các ứng dụng công nghệ trong bảo hiểm, quản trị rủi ro và đào tạo nhân lực…”, ông Lee Cheol Young, Tổng giám đốc HMFI cam kết.
Đánh giá hoạt động của hệ thống các doanh nghiệp bảo hiểm, Báo cáo Tổng quan về thị trường tài chính Việt Nam 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố cho biết, năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 25,8% so với năm 2017, tăng trưởng doanh thu phí được đóng góp tích cực từ kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance).
Tổng tài sản hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm tăng 19,4%. Trong đó, tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chủ yếu là đầu tư vào trái phiếu chính phủ chiếm 74% tổng tài sản.
Tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu là tiền gửi các tổ chức tín dụng, tiền mặt và các khoản tương đương tiền, tài sản tái bảo hiểm chiếm 81% tổng tài sản.
Tỷ lệ biên khả năng thanh toán bình quân của hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm đạt 239% (cuối năm 2017 là 237%), cao hơn mức 100% theo quy định. Chỉ có 1/48 doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ biên khả năng thanh toán dưới 100%, chiếm 0,4% tổng tài sản toàn hệ thống.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn