Tỷ lệ bồi thường thấp nói lên nhiều điều
Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến 30/6/2022, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nói chung đạt 2.356 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm tỷ trọng 7% tổng doanh thu phí toàn thị trường; bồi thường đạt 346 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 14,7%.
Trong đó, doanh thu từ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô (hay còn gọi tắt là bảo hiểm bắt buộc xe máy) đạt hơn 545,4 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số tiền bồi thường của bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ là hơn 11,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 2,2%.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, ghi nhận tỷ lệ bồi thường thấp là điều đáng mừng, song với nghiệp vụ có rủi ro cao như bảo hiểm xe cơ giới nói chung, xe máy nói riêng thì lại nói lên nhiều điều, bởi có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ này thấp, có thể đến từ việc thủ tục đòi bồi thường còn rườm rà, trong khi số tiền bồi thường không cao như kỳ vọng khiến chủ xe, người tham gia bảo hiểm e ngại; cũng có thể do nhân viên của công ty bảo hiểm trong quá trình hướng dẫn hồ sơ bồi thường cho khách hàng chưa thực hiện đúng quy định; hoặc có thể do chủ xe, người tham gia bảo hiểm không nắm rõ quy định để đi đòi bồi thường…
Theo Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Trong khi theo quy định cũ, chỉ trường hợp cần thiết doanh nghiệp bảo hiểm mới phải tạm ứng bồi thường. Nghị định 03/2021 cũng cắt giảm 2/5 tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng so với quy định trước đây, chỉ còn giấy chứng nhận thương tích, hồ sơ bệnh án, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử trong trường hợp nạn nhân tử vong.
Đồng thời, quy định doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải thu thập các tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách. Theo quy định cũ trong mọi trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm phải thu thập các tài liệu này. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường, quy định mới còn bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong việc chỉ đạo các lực lượng cảnh sát cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến các vụ tai nạn giao thông trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả điều tra.
Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ, doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, chủ xe cơ giới các biện pháp đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm. Trong vòng 24 giờ, tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Nhìn nhận một cách khách quan, hiện tại, chính sách và quy trình giải quyết bồi thường tuy có sự cải thiện so với trước, nhưng vẫn chưa thực sự thông thoáng, tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm xe. Với vai trò là tổ chức ngành nghề đại diện cho doanh nghiệp, IAV thường xuyên thúc giục các công ty bảo hiểm đơn giản hóa quy trình, tăng cường ứng dụng số hóa để thực hiện bồi thường được nhanh chóng, nhưng thực tế vẫn gặp khó khăn do liên quan đến sự phối hợp giữa các bên.
Cần thêm thời gian nghiên cứu
Thực tế, năm 2020, trong kiến nghị gửi lên Bộ Giao thông – Vận tải về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, cử tri TP. Hà Nội từng gửi đưa ra đề xuất bỏ quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy. Sau đó, cơ quan này có văn bản trả lời rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nói chung, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy nói riêng là loại bảo hiểm bắt buộc và đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, muốn sửa đổi, bổ sung cần có lộ trình và được Quốc hội thông qua.
Hiện tại, tuy loại bỏ một số loại hình bảo hiểm bắt buộc khác (bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm…), nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua vẫn quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong những loại hình bảo hiểm bắt buộc, bên cạnh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng, bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định của luật này.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bảo hiểm bắt buộc là các sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội để tránh tạo gánh nặng cho xã hội. Theo đó, tại Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, các loại bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác phải đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 8 của luật này thì mới được xem là bảo hiểm bắt buộc. Ngoài ra, luật mới cũng quy định rõ, Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc quy định tại Khoản 2, điều này.
Về chế tài xử phạt, Nghị định 03/2021 nêu rõ, người tham gia giao thông bằng xe máy bắt buộc phải mua bảo hiểm xe, nếu không sẽ bị phạt từ 100.000-200.000 đồng.
Có thể thấy, việc bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy cần thêm thời gian nghiên cứu, cho nên trước mắt, các chủ xe máy có nghĩa vụ tuân thủ quy định mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm. Điều cần làm lúc này là chính sách bồi thường cần được đổi mới, thông thoáng hơn nữa, thể hiện đúng vai trò của loại hình bảo hiểm có tính trách nhiệm xã hội cao, còn người tham gia bảo hiểm cần không ngừng nâng cao kiến thức về bảo hiểm cũng như trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật.
6 tháng đầu năm 2022, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới tài trợ 31,22 tỷ đồng cho 16 công trình
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới được hình thành từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo và các hoạt động khác nhằm tăng cường thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Quỹ được quản lý tập trung, cơ chế quản lý, sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Theo thống kê mới nhất, trong 6 tháng đầu năm 2022, Quỹ đã tài trợ 16 công trình đề phòng hạn chế tổn thất tai nạn giao thông đường bộ tại Hải Phòng, Phú Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Bình, Đắk Lắk, Hưng Yên, Quảng Bình, Nghệ An, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bắc Kạn, Phú Thọ với tổng dự toán tài trợ là 31,22 tỷ đồng; chi hỗ trợ nhân đạo cho 14 trường hợp với tổng số tiền là 236 triệu đồng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn