Bên lề Tọa đàm báo chí về những nội dung cải cách trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Philip O’Keefe, chuyên gia kinh tế của World Bank. Ông Philip O’Keefe trao đổi về các biện pháp cải cách hướng tới sự bền vững của BHXH Việt Nam.
Tọa đàm báo chí về Dự án Luật BHXH sửa đổi
Cải cách là tất yếu
Theo ông Philip O’Keefe, với chính sách hiện hành, nếu không có cải cách quỹ BHXH của Việt Nam sẽ không bền vững. Thời gian qua, các biện pháp Việt Nam đưa ra chưa đủ mạnh hoặc chưa kịp thời để đảm bảo cân đối quỹ về lâu dài. Trên thực tế, cải cách BHXH luôn gặp phải thách thức nhưng nếu không thực hiện cải cách sớm thì trong tương lai sẽ phải áp dụng các biện pháp mạnh, có nguy cơ gặp phải phản ứng xã hội mạnh mẽ.
So sánh các biện pháp đề xuất cải cách của Việt Nam với thông lệ thế giới, Philip O’Keefe chỉ ra rằng, mức chi BHXH hàng năm và tỷ lệ tăng hàng năm nên chúng ta đề xuất giảm tỷ lệ tăng theo năm là đúng và qua đó sẽ tăng cường khả năng cân đối quỹ (tỷ lệ hiện nay quá cao). Tuy nhiên, tỷ lệ áp dụng tại Việt Nam vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới, nhất là đối với nữ (khoảng 2,25% tính trung bình cho toàn bộ thời gian công tác, tỷ lệ cho phụ nữ còn cao hơn nữa). Trong khi đó, tỷ lệ tăng trên thế giới là 1,7% và khu vực Đông Á Thái Bình Dương là 1,8%. Tỷ lệ tại Trung Quốc và Hàn Quốc là 1,0%.
Cải cách lương hưu là trọng tâm
Về tuổi nghỉ hưu, nhiều nước tăng tuổi nghỉ hưu do tuổi thọ trung bình tăng – thường áp dụng mức 65 tuổi. Tốc độ tăng khác nhau: các nước Đông Á Thái Bình Dương tăng dần 6 tháng/năm; các nước OECD tăng 1 -2 tháng/năm. Đây là quá trình lâu dài, nên bắt đầu sớm để tránh tình trạng tăng nhanh về sau. Theo Philip O’Keefe, đa số các nước quy định tuổi nghỉ hưu như nhau cho cả nam và nữ. Quy định này cũng tính đến tuổi thọ trung bình cao hơn của nữ. Đa số các nước giảm 5 – 6% cho mỗi năm nghỉ hưu sớm. Dự luật đề xuất 2% tuy đã đi đúng hướng nhưng vẫn chưa đủ mức để ngăn chặn tình trạng nghỉ hưu sớm.
Để điều chỉnh lương hưu theo chỉ số, điều chỉnh theo chỉ số giá cả là cách duy nhất để đảm bảo sức mua. Đây cũng là phương pháp phổ biển nhất áp dụng tại các nước đang phát triển. Về mức lương cơ ở tính lương hưu, dự luật đề xuất tính lương trong toàn bộ thời gian công tác là hợp lý và đảm bảo công bằng. Tính lương trong thời gian dài cũng thể hiện mức đóng góp sát hơn, qua đó hạn chế tình trạng tăng lương ngay trước thời điểm nghỉ hưu nhằm trục lợi. Với các nghề đặc biệt, dự luật vẫn áp dụng ưu đãi về chế độ và điều kiện hưởng đối với một số nghề (khai thác mỏ, công an, người có công). Hầu hết các nước không áp dụng phương pháp này hoặc cắt giảm mạnh diện hưởng bằng một số quy định đặc biệt. Nếu vẫn giữ lại một số nhóm đối tượng thì phải đảm bảo rằng ngân sách sẽ hỗ trợ kinh phí bổ sung cho các nhóm đó và được tính toán đầy đủ.
Philip O’Keefe chia sẻ, trên thế giới, việc kéo dài thời gian làm việc đối với lao động cao tuổi không làm giảm cơ hội việc làm của những người trẻ và việc thay đổi chính sách phải đi kèm với tăng cường công tác quản lý BHXH. Trên cơ sở đó, Việt Nam nên cân đối để lựa chọn hướng đi phủ hợp./.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo: laodong.com.vn)