Đó là một trong những mục tiêu chiến lược được đưa ra tại Hội thảo góp ý Kế hoạch xây dựng chiến lược Tài chính y tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 25/11/2015. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia của các tổ chức quốc tế, đại diện một số Cục, Vụ, Viện của Bộ Y tế và đại diện của 31 Sở Y tế phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Tài chính y tế – Huyết mạch của hệ thống y tế
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, tài chính y tế là một trong 6 trụ cột của hệ thống y tế. Một hệ thống tài chính y tế tốt cần huy động đủ tiền để người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế khi cần, và được bảo vệ trước chi phí y tế thảm họa hoặc bảo vệ không bị nghèo hóa do phải chi trả chi phí y tế. Hệ thống tài chính y tế tốt sẽ khuyến khích cung ứng và sử dụng dịch vụ một cách hiệu quả. Tại Việt Nam, cùng với những đổi mới của hệ thống y tế, công tác tài chính y tế đã có những bước phát triển tích cực. Chi tiêu y tế ở Việt Nam tiếp tục gia tăng và đạt mức cao so với một số nước trong khu vực, chi cho y tế chiếm 6% GDP. Tỷ trọng tài chính công (bao gồm ngân sách Nhà nước và BHYT) tăng dần, chiếm 42,6% tổng chi cho y tế, chi từ tiền túi hộ gia đình có xu hướng giảm xuống dưới 50%, chiếm 48,8%. Hệ thống tài chính y tế hiện hành đã làm hạn chế được rào cản tài chính trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người dân đối với người có thẻ BHYT, giúp hầu hết người dân được tiếp cận, sử dụng miễn phí các can thiệp dự phòng thiết yếu.
Tuy nhiên, tài chính y tế cũng đứng trước những khó khăn và thách thức đáng kể như, hệ thống tài chính hiện hành chưa bao phủ được toàn dân, khó mở rộng diện bao phủ. Tỷ lệ hộ gia đình bị nghèo hóa do chi phí y tế vẫn cao; Sử dụng nguồn tài chính chưa đạt hiệu quả như mong muốn; hệ thống tài chính chưa khuyến khích chất lượng; chưa khuyến khích cung ứng dịch vụ tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu có chi phí thấp và đảm bảo công bằng.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên, việc xây dựng Chiến lược tài chính y tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025 là rất cần thiết. Các chính sách y tế là một cấu phần quan trọng, tác động đến hành vi của cả bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ, và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống y tế. Các chính sách liên quan đến tài chính y tế như tự chủ bệnh viện, xã hội hóa, BHYT, giá dịch vụ, chính sách tiền lương, chính sách về quản lý tài chính,… đang thay đổi nhanh chóng để bắt kịp với các đổi mới trong nền kinh tế và mong đợi của người dân. Các chính sách này được xây dựng bởi nhiều đơn vị, bộ phận khác nhau và thể hiện trong nhiều văn bản khác nhau, đôi khi thiếu một hệ thống nguyên tắc nhất quán và xuyên suốt, có thể dẫn đến sự phân mảng, chồng chéo, khó thực hiện đối với các bên tham gia sử dụng và thực hiện.
Việc xây dựng và thực hiện Chiến lược Tài chính y tế giai đoạn 2016 – 2025 theo các quan điểm: Tài chính y tế là huyết mạch, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, mở đường trong thực hiện phát triển nhanh, bền vững hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; Tài chính cho hoạt động của hệ thống y tế dựa trên nguồn tài chính công, gồm ngân sách Nhà nước và BHYT, BHYT ngày càng phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi y tế, giảm chi tiền túi của hộ gia đình trong chăm sóc sức khỏe; Quản lý tài chính bằng pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật tài chính và hiện đại.
Tỷ lệ tham gia BHYT đạt ít nhất 85 – 90% vào năm 2025
Chiến lược Tài chính y tế giai đoạn 2016 – 2025 hướng tới phát triển một cơ chế tài chính y tế bền vững, công bằng và hiệu quả, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, ai cũng có cơ hội tiếp cận và sử dụng y tế có chất lượng khi cần mà không phải trả chi phí y tế quá lớn, hoặc bị nghèo đói vì chi trả cho dịch vụ y tế.
Chỉ tiêu của Chiến lược đưa ra là vào năm 2025, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt ít nhất 85 – 90%, trong đó có toàn bộ người nghèo, cận nghèo, người cao tuổi và các nhóm dân cư dễ tổn thương khác; Có chính sách và cơ chế chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại cơ sở; Tăng tỷ trọng chi tiêu công trong tổng chi tiêu y tế: tỷ trọng chi tiêu công cho y tế trên GDP đạt 4,5%; Tỷ trọng chi tiêu tiền túi cho y tế không vượt quá 30% tổng chi cho y tế; tỷ lệ hộ gia đình có chi phí y tế thảm họa không quá 2%.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Phương – Viện Chiến lược và chính sách y tế, cơ cấu chi tiêu y tế từ các nguồn: ngân sách Nhà nước, BHXH, hộ gia đình, viện trợ và một số nguồn khác. Nguồn tài chính từ BHYT trong những năm qua tăng trưởng liên tục, với bộ bao phủ 66,4% dân số thì chiếm 16% tổng chi phí y tế. Nguồn tài chính từ quỹ BHYT dùng chi trả chủ yếu cho công tác khám chữa bệnh BHYT. Thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn bộ dân số cần thực hiện triệt để việc bắt buộc tham gia BHYT, đảm bảo việc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó cần đảm bảo tính bền vững về tài chính bằng mô hình đơn quỹ và kiểm soát chặt chẽ vấn đề lựa chọn ngược trong thực hiện BHYT.
Việc tập trung quản lý nguồn tài chính từ quỹ BHYT cần được thực hiện chặt chẽ, từ quản lý đối tượng thu, điều tiết từ Trung ương, cân đối thu chi và năng lực quản lý BHYT.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tiến – chuyên gia của Bộ Y tế thì tạo nguồn tài chính cho Chiến lược Tài chính giai đoạn 2016 – 2025 từ BHYT cần tập trung vào: đảm bảo nguồn thu BHYT ở khu vực lao động chính quy, đổi mới cách bao phủ BHYT theo hộ gia đình, xây dựng cơ chế phù hợp để bao phủ khu vực lao động phi chính quy, tiếp tục trợ cấp ngân sách Nhà nước để mua BHYT cho một số nhóm đối tượng, tạo nguồn thu ngân sách mới, nghiên cứu xây dựng chương trình bảo hiểm chăm sóc dài hạn,…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Định hướng của Y tế Việt Nam trong thời gian tới là phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng – hiệu quả – phát triển – chất lượng. Để góp phần đạt được mục tiêu đó, hệ thống tài chính y tế cần được phát triển theo hướng tăng nhanh đầu tư công cho y tế, phát triển BHYT toàn dân, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, sử dụng nguồn tài chính y tế hiệu quả./.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohiemxahoi.gov.vn)