Hướng ra cho bảo hiểm bắt buộc với xe máy

Đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kiến nghị của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) về việc bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy do tỷ lệ bồi thường quá thấp so với doanh thu phí.

Quy định của các nước trên thế giới

Trên thực tế, mua bảo hiểm xe máy thật sự cần thiết và được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Đơn cử, tại Bồ Đào Nha, mua bảo hiểm cho người thứ 3 là quy định bắt buộc của mọi chủ xe máy. Bảo hiểm này không bồi thường thiệt hại cho phương tiện của bên chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tai nạn, nó chỉ bao gồm những thiệt hại gây ra cho bên thứ ba khi đi trên đường.

Thái Lan cũng có quy định bắt buộc mua bảo hiểm nếu muốn lái xe một cách hợp pháp. Loại bảo hiểm này được gọi chung là CTPL – bảo hiểm trách nhiệm pháp lý bắt buộc của bên thứ ba, bao gồm thương tật thân thể hoặc tử vong cho tất cả các bên liên quan đến một vụ tai nạn. Trường hợp bị phát hiện không có bảo hiểm khi tham gia giao thông, chủ xe có thể bị phạt tới 10.000 bath (tương đương gần 7 triệu đồng).

Tại Nhật Bản, khi tham gia giao thông, chủ xe phải mua bảo hiểm xe cơ giới, bao gồm 2 loại cơ bản là “bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới bắt buộc – CALI” và “bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện”. Bất cứ ai bị phát hiện lái xe mà không có CALI đều bị phạt rất nặng.

Có thể thấy, rất nhiều nước trên thế giới coi bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới (gồm xe máy và ô tô) là một chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Chính sách này giúp cho mọi nạn nhân của tai nạn giao thông đều được đảm bảo quyền lợi chính đáng, có được nguồn hỗ trợ phù hợp và đầy đủ mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của người gây ra tai nạn.

Việt Nam: Tâm lý mua đối phó hơn là sử dụng

Tại Việt Nam, việc triển khai bảo hiểm bắt buộc xe máy đã được Chính phủ quy định từ năm 1988. Tuy nhiên, sau 24 năm triển khai, người dân vẫn chưa thật sự hiểu về ý nghĩa và quyền lợi của mình khi mua bảo hiểm này, mà chủ yếu vẫn giữ tâm lý mua để đối phó khi bị cảnh sát giao thông hỏi.

Nguyên nhân chính gây ra sự không tin tưởng này đó là tâm lý sợ khó khăn khi yêu cầu bồi thường. Lâu nay, người dân vẫn thường nghĩ rằng khi mua bảo hiểm, cứ tai nạn là doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả bồi thường, sự việc tai nạn là có thật tại sao lại bắt người mua bảo hiểm chứng minh, lấy xác nhận với các cơ quan chức năng… Vì thế, khi công ty bảo hiểm yêu cầu các giấy tờ, hồ sơ chứng minh sự việc tổn thất xảy ra, khách hàng thường có phản ứng gay gắt và cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm hạch sách, gây khó dễ, không muốn bồi thường.

Trong khi đó, ở góc độ bảo hiểm, không doanh nghiệp bảo hiểm nào muốn né tránh việc chi trả bồi thường cho khách hàng. Việc chi trả bồi thường vài triệu hay vài tỷ đồng không khác nhau về quy trình xử lý bồi thường nếu hồ sơ đầy đủ theo đúng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Thực tế, các công ty bảo hiểm luôn mong muốn được bồi thường và bồi thường đúng nhất, chứ không phải ít nhất, bởi kể cả khi bồi thường ít mà không đúng với quy định thì khi bị thanh tra, kiểm toán, công ty bảo hiểm cũng phải giải trình hoặc thậm chí bị xử phạt.

Trong câu chuyện hoàn thiện hồ sơ bồi thường – vấn đề khách hàng tham gia bảo hiểm luôn cảm thấy nhiêu khê mệt mỏi – dẫn đến tâm lý chán ghét mua loại hình bảo hiểm này cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Đầu tiên là pháp luật quy định cần có xác nhận của hồ sơ công an. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có sự liên thông giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và cảnh sát giao thông nên việc xác định nguyên nhân, diễn biến của vụ tai nạn thường mất nhiều thời gian, công sức của người dân cũng như doanh nghiệp bảo hiểm.

Hơn nữa, để chi trả bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải dựa trên chứng từ, giấy tờ đầy đủ theo quy định, chứ không thể giải quyết theo mô tả hoặc hình ảnh khách hàng gửi. Nghị định 03/2021/NĐ-CP và Thông tư số 04/2021/TT-BTC với nhiều thay đổi để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân trong việc yêu cầu bồi thường. Trong đó, một trong những điểm mới là thời hạn phải chi trả bồi thường không quá 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ. Đồng thời, công ty bảo hiểm sẽ thay mặt chủ xe tạm ứng trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận thông báo về tai nạn, bất kể vụ tai nạn có thuộc phạm vi bồi thường hay không, để hỗ trợ nạn nhân được nhanh nhất.

Một số nhà bảo hiểm như Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã cam kết chi trả bồi thường cho khách hàng trong vòng 24h kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ bồi thường, có doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng để hoàn thiện hồ sơ xác nhận của các cơ quan chức năng…

Tuy nhiên, để xóa bỏ được tâm lý “bảo hiểm mua dễ khó đòi” cần phải có hành động thực tế thay đổi thực trạng bồi thường hiện tại. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nên một quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ bồi thường một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất cho người dân.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.