Để đánh giá khái quát kết quả, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác pháp chế trong thời gian qua, sáng 31/7/2014, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác pháp chế Ngành BHXH. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ Pháp luật- Văn phòng Chính phủ; các đồng chí đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Tư pháp; các đồng chí đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế các Bộ: Tài chính, Y tế, LĐ-TB&XH, Nội vụ; các đồng chí đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế của Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học xét xử (Tòa án nhân dân tối cao), Viên Khoa học kiểm sát (Viện Kiểm sát nhân dân tối c ao); cùng các đồng chí Trưởng, Phó các Ban chuyên môn, nghiệp vụ của BHXH Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định; trong thời gian qua, công tác pháp chế của ngành đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc cũng như sự chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn của các Vụ thuộc Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế, các Vụ chuyên môn thuộc các Bộ, Ngành TƯ, do đó, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, công tác pháp chế của BHXH Việt Nam còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất là trong việc phối hợp với các Bộ, Ngành để giải quyết các vụ việc liên quan đến cơ chế, chính sách, vụ việc vi phạm pháp luật về BHXH, cũng như việc khởi kiện các đơn vị nợ BHXH. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác pháp chế của Ngành, đồng chí Nguyễn Đình Khương nhấn mạnh, BHXH Việt Nam cần tiếp tục củng cố, và tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa tổ chức pháp chế của Ngành với Vụ Pháp chế và các Vụ có liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ và các Bộ, Ngành.
Báo cáo kết quả thực hiện công tác pháp chế Ngành BHXH, đồng chí Phan Văn Mến- Trưởng Ban Pháp chế, BHXH Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, công tác pháp chế luôn bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành, đồng thời triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao, hoàn thành và thu được kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực. Về công tác tổ chức và tổ chức cán bộ, Ban Pháp chế chính thức được thành lập và hoạt động từ tháng 04/2012, bộ máy cán bộ bước đầu được kiện toàn từ TƯ xuống địa phương với 14 CBCCVC tại TƯ và 70 CBCCVC làm công tác pháp chế thuộc Phòng Tổ chức- Hành chính hoặc Phòng Hành chính- Tổng hợp tại các địa phương. Bên cạnh đó, tại 63/63 tỉnh, thành phố đã có 701/703 BHXH huyện tổ chức bộ phận một cửa với 1.822 viên chức.
Từ năm 2011 đến nay, đã tham gia góp ý trên 300 dự thảo Nghị định, Thông tư do các Bộ, ngành gửi lấy ý kiến; tổ chức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với hơn 700 ý kiến tại các đơn vị trực thuộc và 63 BHXH tỉnh, thành phố… tham gia góp ý xây dựng các dự án luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Ngành và những dự án luật có ảnh hướng đến đời sống nhân dân, phát triển xã hội; đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung một số tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT vào dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi); từ năm 2011 đến tháng 05/2014 đã thẩm định gần 4.000 dự thảo văn bản, trong đó tập trung vào việc xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và nội quy, quy chế của Ngành; năm 2012 đã rà soát 448 văn bản do BHXH Việt Nam ban hành trong giai đoạn từ năm 2003- 2012, trên cơ sở đó xây dựng phương án xử lý và tập hợp, hệ thống hóa xây dựng cơ sở dữ liệu các văn bản còn hiệu lực của BHXH Việt Nam; thực hiện kiểm tra, rà soát các văn bản do BHXH các tỉnh, thành phố ban hành giai đoạn từ năm 2009- 2012, phát hiện một số văn bản sao chép lại văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam, một số văn bản có nội dung chưa phù hợp, đặt thêm thủ tục hành chính, qua đó, BHXH Việt Nam đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung đúng quy định; công tác theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật được thực hiện thường xuyên, và đã kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh những sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời luôn tích cực tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của địa phương và công dân để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH, BHYT; chỉ đạo, tư vấn hỗ trợ các đơn vị về vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng;…Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác pháp chế của Ngành còn bộc lộ và tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: là một bộ phận mới được thành lập nên công tác tổ chức nhân sự còn mỏng, kinh nghiệm chưa nhiều so với lượng công việc cần triển khai, viên chức làm công tác pháp chế tại địa phương đa phần là kiêm nhiệm nên việc triển khai thực hiện công việc còn hạn chế; đặc biệt là công tác phối hợp giải quyết việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT với Vụ Pháp chế và các Vụ có liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ và các Bộ, Ngành còn nhiều hạn chế do vướng mắc trong các cơ chế, chính sách phối hợp;…
Tại hội nghị, các đại biểu đều ghi nhận và đánh giá cao các kết quả mà công tác pháp chế Ngành BHXH đạt được trong thời gian qua. Đối với những bất cập và vướng mắc trong quá trình phối hợp triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, các đại biểu, đã sôi nổi, thảo luận và chia sẻ những khó khăn về chính sách mà các đơn vị gặp phải trong quá trình triển khai công tác phối hợp với Ngành BHXH. Bên cạnh đó, trước tình trạng nợ đọng cũng như những hành vi vi phạm pháp luật BHXH ngày càng phổ biến, tinh vi hơn, đại diện một số đơn vị cũng đã chia sẻ và thông tin với Ngành BHXH những tín hiệu vui trong việc xây dựng các ý kiến sửa đổi dự thảo một số Luật có liên quan tới việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, đại diện Tổng Cục Thi hành án Dân sự- Bộ Tư pháp cho biết, trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự lần này, có sửa đổi Điều 31 của Luật theo hướng không yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án- điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai công tác pháp lý và tham gia tố tụng của Ngành BHXH trong thời gian tới./.
AT
Bảo Hiểm Bảo Việt