Đó là lời chị Đỗ Thị Hồng (Đại Đồng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), một nữ lao động tự do tại Hà Nội xúc động gửi lời cảm ơn đến Hội Phụ nữ, cán bộ phụ trách bảo hiểm quận Hoàn Kiếm, cán bộ công an quận Hoàn Kiếm… tại Hội thảo “Giải pháp tiếp cận BHYT cho lao động di cư khu vực phi chính thức”. Hội thảo do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) tổ chức ngày 25/8.
Chị Đỗ Thị Hồng (SN 1970) chia sẻ, chị theo mẹ ra Hà Nội đến nay được khoảng 30 năm. Chị làm thu mua phế liệu đồng nát để sinh nhai và hiện đang sống ở phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Từ năm 10 tuổi, chị đã biết trong người có khối u và từng trải qua 4 lần phẫu thuật nội soi, trong đó có 1 lần mổ nội soi tuyến giáp. Vài năm trước, chị còn phát hiện mình bị thêm 3 khối u buồng trứng chèn vào tử cung, bàng quang và phía sau lưng, ăn uống, hít thở rất khó khăn. Bác sĩ bảo phải mổ phanh chứ không mổ nội soi được mà mổ phanh tốn 10 – 15 triệu, chị không biết “chạy” đâu ra tiền. Bác sĩ khuyên chị mua bảo hiểm để được hưởng quyền lợi, đỡ một phần chi phí, nhưng chị gặp ngay cái khó là thủ tục giấy tờ.
Chị thành thật cho biết, do trình độ hiểu biết ít ỏi nên từ lâu nghe mọi người nói có bệnh rồi thì không được mua BHYT nên chị không quan tâm. Bắt đầu năm 2014, khi tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm các quy định pháp luật, an sinh xã hội, chị mới hiểu là bị bệnh rồi vẫn mua được BHYT. Tới đại lý mua bảo hiểm ở phường, nhân viên đại lý yêu cầu phải có sổ đăng ký thường trú mới mua được. Chị Hồng lại trở về quê để xin giấy tạm vắng, nhưng công an viên ở quê chị nói bây giờ không cần giấy tạm vắng mà chỉ cần mang chứng minh thư nhân dân tới công an phường nơi chị đang ở để xin giấy tạm trú.
Thấy thủ tục quá nhiêu khê, chị muốn mua BHYT tự nguyện ở địa phương chị có tên trong hộ khẩu. Nguyện vọng này cũng không được chấp nhận vì theo quy định hiện hành, BHYT phải mua theo hộ gia đình. “Thu nhập của tôi không đủ để mua cho toàn bộ gia đình với 7 nhân khẩu” – chị Hồng rớt nước mắt. Rất may cho chị, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội và Viện Light có hoạt động vận động chính sách về quyền của lao động di cư khu vực phi chính thức mà nhờ vậy ngày 2/8 vừa qua, chị đã mua được BHYT với mức phí 654 nghìn đồng.
Theo quy định pháp luật hiện nay, những trường hợp như chị Hồng rất khó xử lý vì muốn mua BHYT tại Hà Nội chị phải có đăng ký tạm trú dài hạn (sổ tạm trú). Muốn có sổ tạm trú thì phải có chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 20 Luật Cư trú; chỗ ở hợp pháp là mua, cho tặng, hợp đồng cho thuê, mượn; phải có ít nhất hai năm đăng ký tạm trú liên tục.
Trong khi đó, phần lớn các lao động tự do thường không thực hiện đăng ký tạm trú ngắn hạn từ năm 2006 đến nay, nên dù có ở Hà Nội bao nhiêu năm, về mặt pháp lý họ khó có thể có được đăng ký thường trú dài hạn. Ngoài ra, điều kiện là phải có chỗ ở hợp pháp, nhưng đa số lao động di cư thuê chung 4 -5 người trong một nhà trọ nhỏ của chủ nhà không có giấy tờ đất đai hợp pháp do có thể là đất lấn chiếm, có thể là đất “nhảy dù”…
Để giảm phiền hà cho người dân tham gia BHYT, Bộ Y tế đã có Công văn 3638 gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc đơn giản thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình. Theo đó, không bắt buộc người tham gia BHYT theo hộ gia đình phải trình cơ quan quản lý các loại giấy tờ để chứng minh về đặc điểm nhân thân đối tượng, về sự tham gia BHYT của thành viên hộ gia đình (như không phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc về trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã…). Đồng thời, nghiên cứu mở rộng các hình thức tổ chức đại lý thu BHYT theo hướng cá nhân, cơ quan nào dễ tiếp cận với người dân nhất đều có thể làm đại lý thu BHYT (như Trạm y tế xã/phường, phòng khám bác sỹ gia đình, bưu điện).
Triển khai vào thực tế, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chương Dương Phạm Hồng Hạnh vui mừng thông tin, đã hỗ trợ được 4 chị em lao động ngoại tỉnh mua BHYT tự nguyện và ngày 6/9 tới đây sẽ được cấp thẻ. Trong quá trình đó, không hề gặp ách tắc nào về vấn đề hộ khẩu bởi chỉ cần Phiếu báo thay đổi nhân khẩu, có xác nhận của Công an phường. Tuy nhiên, so với số lao động di cư đang sống trên địa bàn lên tới hàng trăm người, con số trên còn quá khiêm tốn. Vì thế, bà Hạnh đề xuất, ngoài phương thức mua BHYT tại các điểm của UBND phường, Hội Chữ thập đỏ hay bưu điện, cần mở rộng đại lý ở cấp phường qua Hội Phụ nữ phường, giúp chị em lao động di cư có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thiêm (chuyên viên Bảo hiểm xã hội quận Hoàn Kiếm) cũng thừa nhận, kết quả đạt được chưa được như mong muốn dù Bảo hiểm xã hội quận, UBND 18 phường và các phòng, ban, ngành liên quan đã tuyên truyền, vận động, tháo gỡ những vướng mắc về cách thức, thủ tục tham gia BHYT hộ gia đình đối với đối tượng phi chính thức. Theo ông Thiêm, đây là tình trạng chung không chỉ trên địa bàn quận mà là vấn đề đáng quan tâm của toàn ngành Bảo hiểm xã hội. “Cần có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn bổ sung để tạo điều kiện tốt hơn đối với đối tượng tham gia BHYT khu vực phi chính thức” – ông Thiêm tha thiết.
theo baophapluat.vn