Thay vì được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp như trước đây, thì sắp tới các hộ nông dân nghèo phải tự chi trả một tỷ lệ nhất định và Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Phát biểu tại hội nghị “Đánh giá việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với thủy sản (tôm, cá)” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm nay 5-8, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết thời gian tới hộ nghèo khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp, Nhà nước vẫn hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm, nhưng không phải là 100%. “Còn tỷ lệ bao nhiêu thì phải tính sau”, ông nói.
Theo ông Nam, đây là nội dung quan trọng về việc “triển khai bảo hiểm nông nghiệp thời gian tới” đang được Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến các cơ quan liên quan và sẽ trình Chính phủ thông qua thời gian tới.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, cho biết việc bắt buộc hộ nghèo phải tự chi trả một tỷ lệ nhất định phí bảo hiểm nông nghiệp là để họ có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát, quản lý rủi ro vì thời gian qua đã có sự buông lỏng nhằm hưởng lợi từ đền bù của bảo hiểm.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1-3-2011 về việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013. Theo quyết định nêu trên, hộ nghèo được miễn 100% và hộ cận nghèo được miễn 90% phí đóng bảo hiểm.
Ngoài việc “loại bỏ” tiêu chí hộ nghèo được miễn 100% phí bảo hiểm, thì theo ông Nam, sắp tới đây việc triển khai thực hiện vẫn trên nguyên tắc tự nguyện, nhưng không giới hạn phạm vị địa bàn như trước đây, tức tất cả mọi địa phương đều được tham gia và đối tượng bảo hiểm tập trung vào cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Theo ông Nam, để việc triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp thuận lợi trong thời gian tới, nhất thiết phải thành lập tổ thẩm định, giám sát để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong vấn đề xác định mức độ thiệt hại để làm căn cứ cho bảo hiểm chi trả cho người tham gia bảo hiểm.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng quy trình thẩm định, công bố dịch bệnh, quy trình nuôi…, hiện còn nhiều bất cập, chưa chính xác. “Do đó, cần phải nghiên cứu lại quy trình trình này sao cho công khai, minh bạch, nhất thiết phải có hướng dẫn chung, thống nhất giữa các nơi để làm cơ sở tính toán”, ông cho biết.
Đứng ở góc độc của đơn vị bảo hiểm, ông Phạm Xuân Phong, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo Minh cũng cho rằng việc xác định dịch bệnh trong chi trả bảo hiểm thời gian qua gặp nhiều khó khăn do mỗi địa phương có cách áp dụng khác nhau. “Tôi đề nghị phải có một quy định, quy chuẩn chung cho các địa phương để làm căn cứ xác định, chứ không như hiện nay được”, ông đề xuất.
Theo số liệu báo cáo tại hội nghị, sau ba năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1-3-2011 của Chính phủ, đã thu hút được hàng trăm ngàn hộ nông dân tham gia. Cụ thể, đối với bảo hiểm cây lúa có 236.396 hộ tham gia, trong đó có 76,5% hộ nghèo, 16,8% hộ cận nghèo và 6,7% hộ thường; bảo hiểm vật nuôi có 60.133 hộ tham gia, với 84,1% hộ nghèo, 9,8% hộ cận nghèo và 6,1% hộ thường và bảo hiểm thủy sản có 7.487 hộ tham gia, với 27,4% hộ nghèo, 4% hộ cận nghèo và 68,8% hộ thường. Về việc chi trả bồi thường thiệt hại đối với cây lúa là 17,4 tỉ đồng; bảo hiểm vật nuôi là 19,5 tỉ đồng; bảo hiểm thủy sản là 675,9 tỉ đồng. |
theo thesaigontimes.vn