Đây là một trong những bước đi lâu dài nhằm hiện thực hóa chiến lược nâng cao tính chuyên nghiệp cho các đại lý và đội ngũ quản lý đại lý bảo hiểm của Công ty.
Diễn ra từ năm 2011 đến năm 2014, Chương trình là sự hợp tác giữa Prudential và Trường Đào tạo kinh doanh A.S.K, thuộc Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM. Quyền Tổng giám đốc Prudential, ông Wilf Blackburn nói rằng, một trong những nhân tố then chốt cho thành công của Prudential là hệ thống văn phòng tổng đại lý. Quản lý các văn phòng tổng đại lý trên là các trưởng ban, trưởng nhóm giàu kinh nghiệm của Prudential.
Cũng nằm trong chiến lược chuyên nghiệp hóa đội ngũ đại lý và quản lý đại lý bảo hiểm, cuối năm 2013, 23 nhà quản lý đại lý đầu tiên trong ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam – thuộc Công ty Bảo hiểm Manulife cũng được nhận danh hiệu CIAM. CIAM (Chartered Insurance Agency Manager – Quản lý đại lý đạt chuẩn) là chứng nhận uy tín trên thế giới do Hiệp hội Nghiên cứu và tiếp thị bảo hiểm nhân thọ (LIMRA) trao cho các quản lý đại lý trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và dịch vụ tài chính.
Người nhận được danh hiệu CIAM không chỉ hoàn thành toàn bộ nền tảng học vấn cơ bản, bao gồm cả kiến thức và kỹ năng cần phải có ở vị trí quản lý đại lý, mà còn phải chứng tỏ được việc áp dụng các kiến thức và kỹ năng đó vào công việc thực tế của mình và đạt những kết quả cải thiện trong và sau khóa học được Công ty thừa nhận.
Tiếp nối thành công của khóa học CIAM, Manulife Việt Nam đã phối hợp với LIMRA tổ chức các khóa học về bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) cho các giám đốc kinh doanh, tư vấn viên của Công ty. Đây cũng là khóa học đầu tiên của LIMRA về lĩnh vực bancassurance được tổ chức tại Việt Nam.
Xây dựng được một đội ngũ đại lý và quản lý thật sự ổn định và chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển của thị trường đó là mục tiêu lớn của tất cả các công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Đó cũng là lý do mà các công ty bảo hiểm nhân thọ hiện nay dành khá nhiều ngân sách cho lĩnh vực đào tạo đại lý và quản lý đại lý bảo hiểm, đặc biệt là những chương trình đào tạo chuyên sâu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, mặc dù kênh bán hàng đại lý đang đóng vai trò sống còn cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm và đối với doanh nghiệp bảo hiểm trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng, giới thiệu sản phẩm mới, tư vấn mua bảo hiểm, song tại Việt Nam, đại lý bảo hiểm chưa được thực sự coi là một nghề.
Mức độ duy trì đại lý trong 4 năm của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam, theo điều tra của LIMRA là dưới 8%, trong đó trên 90% đại lý làm việc bán thời gian. Số lượng đại lý rất lớn, nhưng tính chuyên nghiệp và chất lượng của đại lý bảo hiểm ngược lại, còn rất yếu. Chỉ tính đến năm 2012, số lượng cán bộ và đại lý làm việc cho ngành bảo hiểm đã đạt trên 300.000 người. Cùng với sự phát triển của thị trường, theo dự báo, con số này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thời điểm này các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều nhận thấy rằng, số lượng có thể mang lại doanh thu nhất thời, nhưng chất lượng mới mang lại doanh thu bền vững. Không những thế, những đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp, có chất lượng còn giúp nâng cao uy tín của ngành bảo hiểm nói chung và uy tín công ty bảo hiểm nói riêng. Dù mức độ tuyên bố và hành động để nâng cao chất lượng đại lý của mỗi công ty bảo hiểm có sự khác biệt, nhưng không thể phủ nhận thực tế tất cả các công ty bảo hiểm hiện đều có những sự đầu tư cho hệ thống này.