Ngân hàng làm đại lý bảo hiểm được quản lý bởi AVI
Thông tư vừa được ban hành là Thông tư liên tịch số 84/2014/TTLT-BTC-NHNNVN (Thông tư 84) của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Qua nhiều lần lấy ý kiến rộng rãi, Thông tư 84 được các thành viên thị trường đánh giá là tương đối hoàn thiện, đáp ứng phần lớn nhu cầu của các bên là DNBH, ngân hàng và cơ quan quản lý là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, nhất là so với Dự thảo lần 1.
Một điểm mới được bổ sung trong Thông tư là ngân hàng trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm được quản lý theo hệ thống đại lý bảo hiểm chung của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI).
Theo quy định tại Thông tư này, phía ngân hàng đảm nhận việc quản lý, lưu trữ danh sách các nhân viên thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm cho DNBH. Về nguyên tắc hoạt động, DNBH và ngân hàng được liên kết sản phẩm bảo hiểm với sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nhưng phải đảm bảo việc giao kết hợp đồng bảo hiểm tách biệt với các giao kết khách của ngân hàng và chịu trách nhiệm độc lập về sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp.
Ngoài ra, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm của ngân hàng cũng phải tuân thủ Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Bảo hiểm – ngân hàng nắm chặt tay
Cũng theo Thông tư 84, ngân hàng còn phải thực hiện một số nghĩa vụ khác, như phải giải thích cho khách hàng rằng, các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua ngân hàng không phải là sản phẩm của ngân hàng và không mang tính bắt buộc.
Quy định này xuất phát từ khía cạnh: khách hàng cần được hiểu sản phẩm bảo hiểm không tạo bất kỳ điều kiện ưu đãi/thuận lợi nào để phía ngân hàng quyết định cung cấp các dịch vụ ngân hàng khác và ngân hàng cũng không chịu trách nhiệm đảm bảo về việc thanh toán quyền lợi bảo hiểm.
Dẫu vậy, đã có một cái “bắt tay chặt” trong quy định pháp lý tại Thông tư mới, tạo điều kiện để hai bên cùng nhau phối hợp khi triển khai bán sản phẩm này trên thực tế, tránh tình cảnh “hờ hững” như trước đây.
Cụ thể, trong vai trò là đại lý, thực hiện khá nhiều nghiệp vụ cho DNBH, ngân hàng sẽ phối hợp với DNBH theo dõi đầy đủ, chính xác và chuyển toàn bộ các khoản phí bảo hiểm thu được và bất kỳ khoản thanh toán của khách hàng liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho DNBH; chi trả quyền lợi bảo hiểm và các khoản thanh toán khác theo ủy quyền của DNBH cho khách hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm.
Đáng chú ý, ngân hàng còn có nghĩa vụ bồi thường và bồi hoàn cho DNBH các khoản phí và chi phí phát sinh mà DNBH phải gánh chịu do hành vi vi phạm của nhân viên ngân hàng gây ra khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm cho DNBH. Đây được xem là nội dung tạo sự an tâm khá cần thiết cho các DNBH cũng như AVI trong quản lý đại lý là ngân hàng.
Thậm chí, ngân hàng còn phải hợp tác với DNBH trong việc cung cấp và đối chiếu thông tin đối với từng hoạt động như chào bán bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu xếp giải quyết trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Chưa kể, hai bên còn hợp tác trong việc tổ chức đào tạo cho nhân viên ngân hàng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.
Trong vai trò là đại lý, ngân hàng sẽ thực hiện các hoạt động giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm để DNBH thực hiện tư vấn; chào bán bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm (thu hộ các khoản phí bảo hiểm từ khách hàng và chuyển lại cho DNBH theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm); thu xếp giải quyết trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các hoạt động, nghĩa vụ khác (trích Thông tư 84). |