Hệ lụy khi doanh nghiệp bảo hiểm muốn thắng thầu bằng mọi giá

Cách đây một năm, tại diễn đàn của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), chủ tịch hội đồng thành viên một công ty đứng đầu về bảo hiểm công nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra các biểu hiện của tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, khi doanh nghiệp “làm mọi cách, bằng mọi giá để thắng thầu bảo hiểm”.

Cho đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn, với nhiều chiêu trò khác nhau, thậm chí có phần lộ liễu hơn. Đây là điều đang khiến cơ quan quản lý, lãnh đạo các DNBH phi nhân thọ không khỏi đau đầu.

Mới đây nhất, hai hồ sơ đấu thầu bảo hiểm liên tiếp được cho là có dấu hiệu “gài bài”, cản trở thầu, đã buộc DNBH, trong vai trò là nhà thầu, phải lên tiếng mạnh mẽ, gửi công văn đề nghị chủ đầu tư làm rõ các nghi vấn, đó là hồ sơ mời thầu bảo hiểm trách nhiệm bác sỹ tại Bệnh viện Bạch Mai và gói thầu số 20 về bảo hiểm công trình cho dự án đầu tư di dời Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long. Trong đó, dưới sự phản ánh của DNBH, Bệnh viên Bạch Mai đã hủy bỏ một số tiêu chí trong hồ sơ mời thầu và thay thế bằng tiêu chí mới.

Chưa bàn tới tính pháp lý của câu chuyện cản trở thầu, bởi nguồn gốc thực sự của vấn đề này vẫn là tình trạng DNBH tìm mọi cách để thắng thầu. Phương thức thường gặp là DNBH “đi đêm” với chủ đầu tư/nhà tư vấn gói thầu, thông qua việc làm việc trực tiếp hoặc tận dụng mối quan hệ từ trên ép xuống để chủ đầu tư đưa vào hồ sơ thầu các tiêu chí có lợi cho mình nhất; cản trở sự tham gia của các nhà thầu khác. Tùy từng trường hợp, các tiêu chí này có thể khác nhau, chẳng hạn khống chế số năm hoạt động; tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm; tỷ lệ doanh thu phí giữ lại/tổng doanh thu phí…

Thông thường, những nhà thầu bỏ phí thấp nhất thường có nhiều khả năng giành phần thắng, tuy nhiên, khi xuất hiện yếu tố cạnh tranh không lành mạnh từ một nhà thầu khác, chủ đầu tư có thể đưa thêm điều kiện trái khoáy nhằm “hất cẳng” nhà thầu bỏ phí thấp nhất.

Việc DNBH trong vai trò là nhà thầu tìm mọi cách để thắng thầu không quá xạ lạ. Điều đáng ngại là sau những than phiền, tranh cãi, hay tố cáo lẫn nhau, cách hành xử này dần trở thành một thói quen khó sửa, khó bỏ đối với một số DN. Dẫn tới hệ lụy mà chính người trong cuộc là các DNBH phải thừa nhận là không đủ khả năng chi trả bồi thường khi xảy ra vấn đề, năng lực hoạt động suy yếu.

“Nếu DNBH cạnh tranh bằng hạ phí dưới chuẩn, đối tượng chịu rủi ro trước hết là khách hàng, nhưng sau đó, DN không tái bảo hiểm được thì cũng “chết”. Nếu tiếp tục cạnh tranh bằng mọi giá như vậy, năng lực của doanh nghiệp sẽ suy yếu”, vị chủ tịch hội đồng thành viên kể trên nói và cho rằng, hãy để khách hàng là người lựa chọn nhà bảo hiểm một cách công bằng.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc một công ty bảo hiểm thành viên trực thuộc một DNBH cho hay, vì cạnh tranh bằng giá bỏ thầu mà ngày càng phổ biến tình trạng DN chấp nhận bỏ phí thấp bất thường, thậm chí có trường hợp bỏ giá bằng 1/5 so với phí dự toán. Hệ lụy là DNBH khó hòa vốn, khó lo bồi thường, bởi thực tế trong một số vụ tổn thất, chi phí giám định đã lên tới cả trăm triệu đồng, dẫn đến phí đóng bảo hiểm không đủ bù đắp chi phí giám định.

Không phủ nhận cạnh tranh là yếu tố tất yếu của thị trường và đấu thầu giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, nhưng theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hạ giá quá thấp sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho chính người mua bảo hiểm và cả DN cung cấp sản phẩm bảo hiểm. Thậm chí, cuộc đua hạ giá để mong muốn trúng thầu đang khiến các DNBH tự hủy hoại lẫn nhau, “tàn phá” môi trường kinh doanh tại lĩnh vực này.

theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.