Hậu bão số 12, công tác giám định bồi thường bảo hiểm chưa hoàn tất

Đoàn công tác của Bộ Tài chính vừa có buổi làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và một số địa phương khác để nắm bắt tình hình bồi thường bảo hiểm cho khách hàng bị thiệt hại do cơn bão số 12.

Đây là cơn bão rất mạnh đi vào khu vực vốn ít chịu ảnh hưởng bởi bão này, gây thiệt hại nặng nề, ước tính số tiền thuộc trách nhiệm bảo hiểm của toàn thị trường bảo hiểm lên khoảng 1.300 tỷ đồng. Trong đó, Khánh Hòa và Bình Định là 2 tỉnh có tổn thất lớn nhất.

Tại Khánh Hòa, theo báo cáo của các DNBH, ước tính tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm trên địa bàn tỉnh này vào khoảng 1.000 tỷ đồng. Hiện các DNBH đã giải quyết/tạm ứng bồi thường gần 20 tỷ đồng.

Tại Bình Định, ước tính tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm của 14 DNBH trên địa bàn tỉnh là khoảng 234 tỷ đồng, hiện các DNBH đã giải quyết/tạm ứng bồi thường gần 29 tỷ đồng.

Trên quy mô toàn thị trường, Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Minh là 2 DNBH có mức thiệt hại lớn nhất thị trường. Cụ thể, Bảo hiểm Bảo Việt có hơn 400 khách hàng bị thiệt hại, với số tiền thuộc trách nhiệm bảo hiểm khoảng 470 tỷ đồng. Còn Bảo Minh ước số tiền thiệt hại đến nay vẫn là hơn 280 tỷ đồng.

Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Nguyễn Quang Huyền cho biết, các DNBH có liên quan đến tổn thất sau bão cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thu thập hồ sơ, tài liệu để tiến hành việc giám định tổn thất, xác định giá trị thiệt hại thuộc phạm vi bồi thường và bước đầu tiến hành tạm ứng bồi thường cho một số doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão số 12.

Chiều 11/12, Bảo hiểm Bảo Việt đã trao số tiền tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho 2 doanh nghiệp bị thiệt hại bởi cơn bão số 12 tại Khánh Hòa là CTCP Đông Á (3 tỷ đồng) và CTCP Dệt may Nha Trang (số tiền 10,5 tỷ đồng); Bảo hiểm Bảo Minh cũng trao số tiền tạm ứng 4,5 tỷ đồng cho Công ty THHH Đồ hộp Khánh Hòa; PTI cũng đã tiến hành xong thủ tục bồi thường và trao toàn bộ số tiền bồi thường hơn 28,9 tỷ đồng cho Công ty Ngô Đam – doanh nghiệp đã mua bảo hiểm hàng hóa cho lô hàng 2.358 tấn gạo đóng bao chở trên tàu Hà Trung 98, và đang tiến hành hoàn tất thủ tục bồi thường cho các doanh nghiệp còn lại.

Nguồn tin từ PTI cũng cho hay, tổng thiệt hại mà cơn bão số 12 gây ra cho khách hàng của PTI là khoảng 109 tỷ đồng, trong đó, nặng nhất tập trung vào 2 nghiệp vụ tài sản kỹ thuật và hàng hải. Tỉnh Bình Định là khu vực có tỷ lệ tổn thất cao nhất, khoảng 73 tỷ đồng.

Tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm của Bảo hiểm PVI tại Bình Định là gần 47 tỷ đồng, trong đó tổn thất liên quan đến hàng hóa là 2,7 tỷ đồng, liên quan đến tàu là 44 tỷ đồng…

Ghi nhận từ một số khách hàng là doanh nghiệp sản xuất bị tổn thất sau bão, số tiền đã trao chỉ vài chục tỷ đồng, chưa thấp tháp gì so với số tiền bị tổn thất, nhưng cũng hỗ trợ họ sớm khôi phục sản xuất-kinh doanh, ổn định đời sống, khắc phục khó khăn, có nguồn vốn sửa chữa, đóng mới tàu để ra khơi. Đồng thời, thể hiện cam kết và trách nhiệm của DNBH đối với khách hàng tham gia bảo hiểm.

Công tác bồi thường hiện đang gặp khó khăn, bởi thiệt hại do bão số 12 gây ra là rất lớn, nhiều khách hàng bị thiệt hại nên cần giám định độc lập để xác định mức độ tổn thất, nhưng số công ty giám định ít nên gây chậm công tác giám định, bồi thường. Trong khi đó, việc chi trả bảo hiểm cần thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, đảm bảo chính xác nên mất nhiều thời gian, ít nhất cũng vài tháng.

Để đẩy nhanh hơn nữa công tác chi trả bồi thường cho khách hàng, đại diện các DNBH đã kiến nghị Đoàn công tác sớm làm việc với các cơ quan liên quan nhằm đẩy nhanh công tác trục vớt tàu thuyền, hàng hóa bị chìm, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường biển.

theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.